Thiên Tai! Ta Tích Trữ Kho Lương Thực Toàn Thiên Hạ Cứu Cả Hầu Phủ

Chương 17: Đến Thôn Mộng Như

Phó Yến Đình vội vàng buộc lại vạt áo của mình, nhanh chóng đứng dậy đẩy cửa xe ngựa ra.

Khoảnh khắc cửa xe ngựa mở ra, một mùi cỏ xanh thoang thoảng từ từ bay vào.

Chử Trần Âm nhìn theo phía sau hắn, nhìn ra ngoài, chỉ thấy hiện ra trước mắt là núi non trùng điệp.

Biển mây bồng bềnh, núi non trùng điệp, đỉnh núi nối nhau dài dòng vô tận.

Khi những tia nắng sớm mai chiếu tới, mây bay lên và tỏa ra ánh sáng vàng nhạt.

Chử Trần Âm bị cảnh tượng trước mắt làm chấn động, đây nhất định là bức tranh cổ nổi danh Thiên Lý Giang Sơn Đồ (Non Sông Ngàn Dặm)!

Nàng không nhịn được mà bước xuống xe ngựa, đi đến chân núi, ngẩng đầu nhìn lên đồi núi mênh mông vô tận này, trong lòng đột nhiên cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Phó Yến Đình đi tới phía sau nàng: “Nơi này không bằng huyện Trạm Dương gần ao hồ, nơi này toàn là núi non, cây cối và dược liệu đều rất nổi danh, chờ lát nữa chúng ta tìm được chỗ ở là có thể đi chợ mua một ít."

Chử Trần Âm gật đầu, nàng nhìn cảnh sắc trước mắt dần dần không khỏi cảm thấy tiếc nuối.

Chẳng bao lâu nữa, những ngọn núi này sẽ trở thành đống đổ nát do động đất và hạn hán.

Nhắc mới nhớ, con người thật ra rất tầm thường, giống như những hạt cát trong bàn cát, khi gió nhẹ thổi qua chúng sẽ biến mất.

Nàng quay lại xe ngựa, đi theo Phó Hầu gia và Phó phu nhân về phía thôn Mộng Như.

Huyện Mộng Như nằm giữa những ngọn núi, có mười mấy thôn xung quanh.

Một số thôn ở dưới chân núi và một số ở trên đỉnh núi.

Cổ đại khác với thời hiện đại, đường sá được xây dựng ở nhiều nơi, thôn dân sống trên đỉnh núi phải leo lên những bậc thang đá để về nhà.

Để tránh thu hút sự chú ý và giúp mọi người dễ dàng trốn thoát hơn, Phó Hầu gia và Phó Yến Đình chọn nhà của Thanh Nhi dưới chân núi để ở.

Nha hoàn hồi môn của Phó phu nhân, Thanh Nhi, họ Chương, từ nhỏ đã lớn lên ở vùng núi, tuy nhiên, trong nhà có nhiều nữ nhi, nên nàng ấy bị phụ mẫu thân sinh bán cho bên môi giới.

Bên môi giới đưa nàng ấy về đô thành, bán nàng ấy lại cho Cù phủ, trở thành nha hoàn bên người Phó phu nhân.

Vì đô thành cách xa thôn Mộng Như, nên phụ mẫu nàng ấy chỉ nghĩ rằng nàng ấy đã bị bán vào thanh lâu, đã nhiều năm như vậy bọn họ chưa bao giờ hỏi thăm về nàng ấy.

Thanh Nhi đưa cả đoàn người về nhà mình.

Nhà Thanh Nhi từ nhiều đời nay sống dựa vào nghề nông, trong nhà có xây một gian nhà ngói bằng tiền trồng trọt và bán lương thực.

Ở nông thôn có nhà ngói là đã khá tốt, một số chủ yếu là nhà đắp bằng bùn đất hoặc bằng cỏ tranh.

Phó Hầu gia nhiều năm cùng con cái hành quân đánh giặc, ngay cả thịt sống cùng từng ăn rồi, nên đương nhiên không quan tâm đến chuyện này.

“Cha, nương! Con đã trở về!” Thanh Nhi gọi với vào trong nhà.

Chẳng bao lâu sau, một vị lão nhụ nhân bước ra từ trong nhà.

Tóc của lão phụ nhân đã hơi bạc, tay cầm gậy chống cong eo run rẩy bước ra ngoài: “Ai trở về?"

Thanh Nhi sải bước về phía trước, kéo bà ấy lại và mỉm cười: “Nương, là con, Thanh Nhi."

Lão phụ nhân ngước mắt lên và nhìn Thanh Nhi một cách cẩn thận.

Bộ dạng của nàng ấy không thay đổi nhiều so với trước khi bị bán: “Con là Thanh Nhi sao?!"

Thanh Nhi gật đầu, nước mắt rơi xuống.

Lão phụ nhân kích động ôm mặt của nàng ấy nhìn mãi: “Thanh Nhi, con còn sống à!"

Thanh Nhi lau nước mắt và nói: “Nương, con vẫn còn sống, con bị bán đến đô thành để làm nha hoàn cho một thương hộ."

Vừa nói, nàng ấy vừa chỉ vào người của Phó gia ở phía sau: “Bọn họ là lão gia và phu nhân của thương hộ mà con đã ở.”

Lão phụ nhân khó hiểu nhìn họ: “Tại sao lão gia phu nhân lại đến nhà chúng ta?”

Phó Hầu gia trả lời: “Cả nhà chúng ta muốn đi thăm họ hàng ở nơi xa nên chúng ta đến đây để ở nhờ”.

Lão phụ nhân bừng hiểu ra: “Ở nhờ à, được thôi, nhưng không biết lão gia phu nhân có chê không.”

Phó phu nhân vội vàng nói: “Không chê, có chỗ ở là đã tốt lắm rồi.”

Sau khi lão phụ nhân nghe xong liền rất khách khí đón bọn họ vào nhà, sau đó dẫn theo nữ nhi đã lâu không gặp của mình đi ôn chuyện, hai mẫu nhi lại khóc.

Chử Trần Âm đi theo bọn họ vào nhà.

Nhà của Chương gia không lớn nhưng cũng đủ ở, Chử Trần Âm và Phó Yến Đình ở chung một phòng, phu thê Phó Hầu ở chung một phòng, Phó Giang Hoằng, Thanh Nhi và nương của Thanh Nhi cùng gom lại một phòng, còn Phó Hưng Thành, người đánh xe và Lai Phúc ở chung một phòng.

Sau khi mọi người đã đi nghỉ ngơi, Chử Trần Âm mới chậm rãi hỏi thăm về Chương gia.

Hóa ra Chương lão phụ nhân tổng cộng đã sinh được bốn nữ nhi, Thanh Nhi là con thứ tư, phụ thân nàng ấy vẫn luôn muốn có nhi tử, nên đã lén bán Thanh Nhi khi nàng ấy mới mười mấy tuổi.

Họ đã dùng số tiền bán được để xây ngôi nhà ngói gạch xanh này.

Tuy nhiên, sau vài năm, nương của Thanh Nhi cũng không sinh được nhi tử, phụ thân nàng ấy bỏ lại thê nhi rời khỏi nhà, thành thân với tiểu thư Bạch gia, một tiểu thương nổi danh trong huyện, nói rằng muốn có một người nhi tử.

Tuy nhiên, họ đã thành hôn được hơn mười năm mà vẫn không có con nối dõi.

Nhưng nương của Thanh Nhi cũng vì thế mà đầu bạc, rõ ràng là chỉ mới hơn năm mươi tuổi, nhưng dáng vẻ lại như một người già bảy mươi tuổi.

Ba nữ nhi còn lại đã gả cho người ta, cho nên nương của Thanh Nhi là người duy nhất sống trong căn nhà trống rỗng này.

Nương của Thanh Nhi rất vui khi đột nhiên có nhiều người như vậy trong nhà, đem hết mọi thứ có thể ăn được trong nhà ra nấu.

Có bánh cao lương hấp, bột mì trắng và khoai lang đỏ.

Nhưng cũng chỉ có mấy thứ này.