Ta Có Gia Tài Bạc Triệu Nhờ Làm Ruộng

Chương 3: Đau lòng mẹ

Trước kia, mấy phòng khác của Tống gia đối xử với nguyên chủ cũng không tệ, bọn họ cảm thấy dù sao nguyên chủ cũng là thiên kim Hầu phủ, lỡ như một lúc nào đó Hầu phủ nhớ tới nàng, họ còn có thể nhận được một ít đồ tốt. Nhưng lần này, sau khi nàng quay về từ Hầu phủ, mấy phòng khác đều cảm thấy bất an trong lòng.

Cảm thấy nguyên chủ không chỉ mất đi số mệnh làm Đại tiểu thư mà còn đắc tội với Hầu phủ.

Nông dân nhát gan, sợ Hầu phủ tới tính sổ nên bắt Tống Lão Căn phải phân nhà.

Tống Gia cũng không giàu có gì, nhưng nhân khẩu lại đông.

Năm đó Hầu phủ tới đón người, bọn họ cũng đã nhận được ít đồ tốt, một trăm lượng bạc ròng, nhưng đã qua hai năm rồi.

Hai năm qua, Tống Lão Căn đã cưới vợ cho đại đường ca của đại phòng.

Ban đầu, người được chọn là một cô nương trong thôn, nhưng khi trong nhà có nhiều tiền bạc, đại đường ca Tống Hiển lại vừa ý một nữ tử trong huyện thành, sính lễ yêu cầu năm mươi lượng bạc!

Đó là cháu đích tôn của Tống gia, được nhiên nhận được đãi ngộ tốt nhất, vậy nên chút tiền nọ gần như đã tiêu tốn hết trên người của hắn vì để được xứng đôi với cô nương huyện thành kia. Tống Lão Căn còn móc ra năm mươi lượng bạc mình để dành, cộng với số tiền Hầu phủ đưa cho, mua một căn nhà lớn ở huyện thành.

Lão gia tử coi trọng trưởng tử, lại yêu thương cả ấu tử.

Tiêu tốn cho đại phòng nhiều như vậy, đương nhiên cũng phải cho tứ phòng một ít.

Lại tốn thêm hai mươi lượng để móc nối quan hệ, giúp cho tiểu nhi tử Tống Mãn Sơn được làm quan, bình thường chỉ cần trông coi đập chứa nước hút và xả nước, cuộc sống nhàn hạ, lương bổng cũng cao, miễn cưỡng coi như là ăn lương của quan viên rồi.

Nhưng thường xuyên nạo vét như vậy, tiền bạc trong nhà đã cạn sạch.

Lúc tách ra, đại phòng và tứ phòng nhận được ít hơn một chút, mỗi bên có ba mẫu ruộng tốt.

Tam phòng nhiều đàn ông, được chia phần to nhất, gồm mười mẫu ruộng tốt và năm mẫu ruộng cạn…

Còn về nhị phòng…

Tống Lão Căn và các phòng khác đều nghĩ rằng, trước đây lúc Hầu phủ phái người tới, chắc chắn đã lén lút cho nhị phòng nhiều thứ khác.

Thậm chí lúc nguyên chủ trở về thôn, quần áo và trâm cài trên người nàng cũng đáng giá không ít tiền, những thứ này không được tính là tài sản chung nên chỉ được chia cho ba mẫu đất.

Trên thực tế, nguyên chủ vừa trở về đã ngã bệnh, bệnh nặng mãi không khỏi, nằm triền miên trên giường bệnh lâu như vậy, những thứ có thể bán thì đã bán hết.

Hiện tại, thứ đáng giá nhất trong nhà chỉ còn lại một phần ba mẫu đất và một cây trâm bạch ngọc, cây trâm này là đồ vật duy nhất nàng mang về từ Hầu phủ, Nguyễn thị không nỡ bán, muốn để lại cho nữ nhi làm của hồi môn.

Hơn nữa, dung mạo của con gái nàng đã bị hủy, lỡ như không có ai thèm lấy, giữ lại cây trâm này cũng có thể dùng lúc nguy cấp.

Vậy nên lúc này, tình hình ở nhị phòng đang rất chật vật.



Tống Anh mê man nằm trên giường đến tận đêm, tiếp thu tất cả ký ức, lúc này mới tỉnh dậy.

Vừa mở mắt ra, Nguyễn thị đã chạy tới, vuốt ve từng sợi tóc của nàng: “Con của ta… Nương đúng là có lỗi với con mà!”

“Nương ơi, con không sao.” Âm thanh gọi mẹ của Tống Anh rõ ràng không được tự nhiên lắm.

Nếu không phải vì trong lòng nhớ thương cha mẹ nuôi, có lẽ lúc đó nguyên chủ đã chết ở kinh thành rồi.

Chỉ là không ngờ rằng, sau khi trở về từ hang cọp, cuối cùng vẫn không thể sống sót.

Bệnh đã lâu, không thể chống lại sự giày vò của người khác, ngã một cái đã mất mạng, tuy nhiên, theo những gì nàng biết, gần đây nguyên chủ cũng có đôi lúc nghĩ đến cái chết, cảm thấy bản thân đã liên lụy đến cha mẹ và ca ca…

“Nương à, chắc là muội muội đau đầu lắm rồi, nếu như nương còn tiếp tục khóc nữa, nàng lại ngất đi mất.” Một chàng trai trẻ từ ngoài phòng đi vào, mở miệng nói.

Tống Anh nhìn sang, đây là Tống Tuân, ca ca của nguyên chủ.

Sở dĩ Tống Lão Căn chia cho nhị phòng ít đồ, ngoại trừ nguyên chủ, nguyên nhân còn vì Tống Tuân.

Đứa cháu trai Tống Tuân này có phần khác biệt so với những đứa cháu trai khác của ông ấy, đó chính là sức khỏe không tốt, không cường tráng chút nào, ngoại hình là kiểu hào hoa phong nhã, vô cùng gầy.

Tống Kim Sơn rất yêu thương con trai, khi con trai còn nhỏ, cảm thấy sau này con trai không thể làm việc đồng áng nên đã cầu xin người cha già rất lâu, cuối cùng cha mới đồng ý cho con trai hắn đi học.