Đất Trắng

Tập 1 - Chương 8

So với lớp Thị, Lâu, Tuấn, Nam, Canh... thì Nghĩa là lính cũ. Anh vào bộ đội từ năm 58. Vậy nhưng cho đến nay anh vẫn chưa phải là đảng viên. Thực ra, anh cũng chẳng có khuyết điểm gì lớn. Chỉ có cái tội là hay nói lung tung, việc gì thích thì làm, việc gì không thích thì đầu có phải thế nào đi nữa anh cũng từ chối. Chính vì vậy mà mấy lần ban chỉ huy tiểu, đoàn 7 cân nhắc mãi không muốn đưa anh xuống làm cán bộ đơn vị.

Ban cán bộ trung đoàn đã chú ý đến anh, có lần hỏi tiểu đoàn về sự tiến bộ của anh ra sao, và được biết anh vẫn là đối tượng kết nạp Đảng. Hồi còn ông Dũng làm chính uỷ, ông cũng đã nhắc Thận chuyện này, nhưng vì bận nhiều việc nên sau đó ông lại quên mất. Còn Thận vốn là một cán bộ chính trị làm đúng nguyên tắc và thủ tục, không châm chước, không chiếu cố, nhất định yêu cầu Nghĩa phải sửa chữa cho hết những khuyết điểm thì mới có thể vào Đảng được. Nghĩa vẫn nghĩ là Thận có thành kiến với anh. Anh nói với mọi người chung quanh:

- Trước sau rồi tao cũng xuống đơn vị. Xuống đó đánh nhau vài trận thì biết tay nhau, ở tiểu đoàn bộ với cái ông Thận này chán lắm!

Trước đợt hai, Nghĩa còn là trợ lý quân khí tiểu đoàn. Thực thấy anh có khả năng quân sự, liền đưa anh sang làm trợ lý tác chiến, giúp việc cho tham mưu trưỏng Mạn. khi thiếu quản trị trưởng, Thận đắn đo mãi, bàn với Thực. Thực nói:

- Nó làm được thì cứ giao việc cho nó. Bây giờ đang thiếu cán bộ. Vả lại, nó có khuyết điểm gì lớn đâu. Theo tôi, vấn đề vào Đảng của cậu ta, chúng mình xét cũng quá chặt chẽ đó.

Tổ đảng và chi bộ đang làm việc xét đơn xin vào Đảng của Nghĩa thì những cuộc chiến đấu liên tiếp xảy ra. Sau trận Cầu Sắt, các đảng viên trong chi bộ chẳng còn ai nữa. Khi Thực gọi Nghĩa giao cho xuống phụ trách đại đội 3, Thận đã có ý nghĩ là sau trận đánh về, sẽ xét kết nạp anh một cách thật xứng đáng. Nhưng rồi Thận, Thực đều hy sinh. Bây giờ Nghĩa phụ trách một đội. Trong đội có một đảng viên thì lại là Tuyên “đá”. Tuyên “đá” vừa mới được kết nạp Đảng trước đợt một, là đảng viên dự bị của chi bộ trung đoàn bộ trước đây. Đó là điều mà Nghĩa băn khoăn nhất sau khi ở lại. Rồi ai sẽ theo dõi mình? Suốt bảy tám năm trời chiến đấu, công tác...

Nghĩ đến Thận, anh vừa thương lại vừa trách thầm. Giá như ông ấy đừng cố chấp, giá như ông ấy xét cho mình trước đây ít lâu thì bây giờ đỡ phiền phức. Sau trận cầu sắt, nhiều lúc anh trở nên đăm chiêu. Xét cho cùng thì mọi việc đều tại anh cả. Những người biết anh đã đi rồi, anh gióng như bị bỏ quên trong một chuyến đi xa. Càng nghĩ đến mình, anh càng thấy nhớ da diết những người đã mất. Dầu sao, thì họ vẫn là những người hiểu mình, vẫn là những người lo lắng cho mình hơn cả. Thận hơi hẹp hòi một chút, nhưng chẳng phải đã nhiều lần ông ta nằm tâm sự suốt đêm với mình đó sao? Ông Thực tuy không làm công tác chính trị, không phụ trách bộ phận quản trị, tính ông hay nói thẳng, ít tâm sự, nhưng đã có hôm ông nói với Nghĩa rất chân tình:

- Nghĩa ạ, cậu phải tập suy nghĩ và hành động cho thận trọng một chút. Cậu nhớ rằng cậu là cán bộ, vào bộ đội bảy tám năm rồi, cậu phải tự nhận lấy trách nhiệm trước khi người ta giao nhiệm vụ cho cậu. Đáng lẽ cậu chín chắn hơn, phát ngôn có trách nhiệm hơn, thì tiểu đoàn sẽ giao cho cậu phụ trách một đơn vị. Cậu có biết hây giờ tiểu đoàn đang thiếu cán bộ không? Vậy mà chúng mình vẫn chưa thể giao nhiệm vu cho cậu được, cậu thấy điều đó có đáng buồn không?

Bây giờ cả ông Thận và ông Thực đều đã chết. Ai sẽ nói với anh những điều như thế...

Đêm, trung đoàn về phân khu bộ, thì sáng mai địch càn ở cả hai khu vực: nơi đóng quân của phân khu bộ cũ và nơi tiểu đoàn vẫn ở gần đường 13. Theo kế hoach, các tổ đều thoát ra khỏi vòng càn nhờ phân tán thành hai ba người một, nhưng ngày hôm đó họ phải nhịn đói suốt ngày. Đêm nằm trên bờ rạch, Nghĩa đem chuyện riêng tư của mình tâm sự với ông Ba Kiên. ông nghe rất chăm chú, không nói xen vào câu nào. Khi anh đã nói hết, một lúc lâu ông mới nói:

Cậu yên tam. Việc của câu không phải chỉ có tiểu đoàn biết, mà chúng mình cũng đã biết. Vừa qua cậu chiến đấu như thế là tốt. Đó là điều quan trọng nhất đối với một chiến sĩ trong quân đội. Hiện nay tuy câu chưa là đảng viên, nhưng chúng mình đã giao cho cậu một nhiệm vụ mà phải là những đảng viên thật vững vàng mới đảm đương nổi. Cậu biết điều đó chứ?

Tuy ông Ba Kiên không hứa hẹn gì nhưng Nghĩa cảm thấy yên tâm.

Như một đứa trẻ, sau khi trò chuyện với ông Ba Kiên xong, Nghĩa thao thức một lúc, rồi lại đã quên hết mọi viêc, phanh ngực áo, nằm lăn ra trước hầm, đánh một giác cho đến sáng.

Ông Ba Kiên định tránh địch trong mấy ngày càn quét lớn. Rồi sau đó sẽ tùy tình hình mà hoạt động. Ông cùng ở một tổ cùng với Nghĩa, gồm có Nghĩa, Tuyên “đá” và một chiến sĩ mới. Họ ở trong cái vườn của một ngôi nhà bỏ không. Có động, từng người phân tán dọc theo bờ rạch. Hai ngày đầu, tất cả những người ở lại đều an toàn và tối lại liên lạc được với nhau.

Đêm thứ hai, Nghĩa vào ấp bị phục kích. May sao 1 trái mìn nổ ngay gần bên cạnh mà không việc gì. Từ chỗ càn ban ngày, tụi địch nống ra, đóng lại trông ấp cả ban đêm. Có đêm chúng còn đi tuần và nằm phục trên bờ rạch. Sau trận càn, đơn vị mất liên lạc với địa phương vì những chỗ hẹn đều bị địch chốt lại cả đêm ngày. Chúng nó chặn hết các con đường vào ấp. Phá các hầm ở những căn cứ mà chúng nó đã càn vào. Có nguy cơ hết gạo ăn. Ông Ba Kiên họp cán bộ và bàn:

- Trước kia, chúng ta ở bên Tân Thới Hiệp. Sau trận cầu Sắt, thằng Tám Hàn gọi chúng ta về đây. Nếu cần, chúng ta lại trở lại bên kia sông. Nhưng vì mấy hôm nay không nắm được tình hình bên đó. cho nên ta cần có người qua thăm đò trước.

Nghe ông Ba Kiên nói vậy mà vẫn chưa chỉ định người đi. Nghĩa đứng đậy:

- Thôi, thủ trưởng phân công đi để tôi còn vể chuẩn bị, chứ tôi không đi thì còn ai vào đấy nữa?

Ông Ba Kiên vuốt lên mái tóc, rồi chậm rãi nói:

- Mình còn phải nghĩ xem người nào sẽ đi với cậu?

Nghĩa tiếp luôn:

- Thủ trưởng muốn có một đảng viên đi để lãnh đạo tôi chứ gì? Thôi, đã thế thì thủ trưởng cứ cho cả tổ tôi cùng đi, có đảng viên có quần chúng, như thế là tiện nhất.

- Thôi được. Cậu và Tuyên đi là đủ.

- Tôi biết mà! Phải có đảng viên đi lãnh đạo. Nhưng thủ trưởng yên tâm, tôi không có thắc mắc gì về điều này cả.

- Nghĩa! Lần sau cậu không được đùa như thế nữa. nghe không? Tính cậu bộp chộp, hay hỏng việc. Hai người đi, có gì phải bàn bạc với nhau dọc đường. Cả hai sẽ chịu trách nhiệm về chuyến đi này. Rõ chưa?

- Rõ! - Nghĩa đáp lại nghiêm chỉnh và đửng đậy chạy đi tìm Tuyên “đá".

Một lúc sau, hai người đến gặp ông Ba Kiên nhận kế hoach. Ông dặn họ những địa điểm liên lạc bên đó, ngoài nhà Má Hai. Ông cũng Hẹn thêm mấy địa điểm liên lạc dự bị khi họ trở về Bình Mỹ. Ông dặn những chuyện cần thiết nói với Má Hai về thằng Hùng, về việc giữ bí mật hoạt động của trung đoàn. Khi Nghĩa toan đi, thì ông lại gọi lần nữa:

- Báo cho má biết vừa qua có những đứa đầu hàng. Má cần đề phòng, và từ nay về sau, nếu có ai hỏi trung đoàn mà má không biết thì đừng có nhận.

Nghĩa nói:

- Thủ trưởng khéo giấu đầu hở đuôi. Theo tôi thì cứ nói phứt cho má biết thằng Tám Hàn chay theo địch rồi, để má lo liệu, không sau này mình lại hối hận.

Ông Ba Kiên trả lời lơ đãng:

- Vậy cũng được.

Ông không nghĩ rằng thằng Tám Hàn sẽ không khai gì cho Má Hai, vì nó còn nhiều việc lớn để khai báo, và dầu sao nữa, chắc nó cũng còn nghĩ đến bà má đã cho nó ăn, đã chính tự tay múc nước cho nó tắm cái đêm nó vừa từ Gò Sao về. Lẽ nào... Nhưng thôi, cảnh giác vậy càng tốt. Ông cũng nhớ có một hôm má nói với ông: Tôi không đi đâu cả. Tụi nó biết tôi ở lại với Việt Cộng đó, nhưng tụi nó làm gì? Tôi già rồi, có chết cũng chẳng sợ. Hình như sau khi gửi được thằng Hùng đi rồi, má chẳng còn có việc gì lo sợ trên đời này nữa. Nghĩ vậy, và ông nói thêm với Nghĩa:

- Đừng nói với Má Hai là thằng Hùng bị thương. Cũng đừng nói với Má Hai là thằng Hùng trước đây đi với Tám Hàn mà má buồn. Cứ nói là nó đi với tôi và tôi gửi nó lên trên Miền rồi.

Chờ ông Ba Kiên căn dặn xong. Nghĩa xốc bồng vào vai, nói với Tuyên “đá”:

- Chúng mình phới thôi!... Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đi!

Anh giơ tay lên vành mũ tai bèo chào mọi người một cách thật vui vẻ, cái cúc áo phanh ra lòi cả ngực.

Ông Ba Kiên nhìn theo, nghĩ: “Cậu ta xứng đáng được vào Đảng rồi. Một đảng viên vững vàng nữa là khác!”.

Lựu đi lang thang. Cậu ta đã cởi vứt hết quần áo bộ đội, mặc cái sơ mi thường mà cậu ta nhặt được trong nhà dân bỏ đi hồi dưới Tân Thới Hiệp. Trận đánh ở Cầu sắt, Lựu chỉ bị thương nhẹ ở tay. Vì muốn được đi viện, cậu ta đã lấy băng cuốn thật nhiều vòng, giả làm bộ đau đớn. Vì tình hình lộn xộn, không có y tá, cứu thương, cậu ta được đưa qua Bình Mỹ. Và đêm đó bị pháo kích, khi chạy vào hầm, cậu ta vờ rêи ɾỉ, kêu là bị thương mù mắt để người ta nhường chỗ cho, rồi lăn vào giữa hầm. Pháo ngừng bắn. Mọi người ra bến. Lựu cũng theo ra, nhưng đến trên bờ thì cậu ta lại đúng sững sờ.

Có tiếng gọi:

- Còn ai nữa, xuống đi!

Lựu vẫn đứng im.

Có người đi đằng sau tới:

- Cậu nào đây? Đi lên hay đi xuống?

- Tôi xuống xuồng sau.

Lựu trả lời như một cái máy, tai vẫn lắng nghe tiếng nổ đầu nòng của một khẩu pháo địch.

- Còn ai nữa không?

Người ta gọi hai lần. Lựu không trả lời.

Một lúc sau thì cậu ta quay trở lại. Cậu ta sợ. Chỗ nào cũng sợ. Sợ một trận đánh như trận cầu sắt. Sợ một trận pháo kích như trận pháo kích trên bến.

Người ta nói rằng đi trên sông Sài Gòn ban đêm hay bị “trực thăng” và ca nô đuổi, Lựu cũng sợ. Quay trở về đơn vị? Cậu ta biết trung đoàn sắp sang bên này. Nhưng rồi sẽ nói thế nào? Và rồi ở đó vẫn sẽ có những trận càn. Cậu ta cứ đi như vậy trong đêm. Đi như một cái máy. Đi mãi. Một lúc sau thì Lựu nhận ta là mình đang đi quay trở lại hướng Tân Thới Hiệp. Vậy là tự nhiên cậu ta nghĩ đến ngôi nhà của Má Hai. Ở đó. Có lẽ là nơi yên ổn nhất chăng? Ở đó, có lẽ sẽ là nơi, ít ra trong một thời gian dài, mình sẽ có chỗ nương tựa chăng? Trung đoàn sẽ ra đi, ở đó, sẽ không còn xảy ra chiến sự nữa. Mình sẽ về gặp Má Hai và nói với má là mình lạc đơn vị. Rồi sao? Làm gì nữa thì Lựu cũng chưa hình dung ra, nhưng ít nhất là tránh sự nguy hiểm trước mắt.

Đêm đi và ngày trốn chui trốn lủi bên những bờ rạch. Cứ vậy lần đường theo sông Sài Gồn, về sông Rạch Tra. Sau ba đêm thì mới về đến nhà Má Hai.

Lúc đó gần ba giờ sáng. Anh đứng chần chừ mãi trước sân nhìn cái đèn hoa kỳ vẫn thắp sáng trước của hầm. Bỗng có tiếng hỏi:

- Ai vậy?

Lựu trả lời không suy nghĩ: Con đây!

Con nào?

Cái đèn hoa kỳ được vặn to thêm và bóng Má Hai nhô ra trước cửa hầm. Cái đèn hoa kỳ đi tới trước mặt Lựu và dừng lại.

- Anh là ai? đến đây làm gì?

Sau một phút lúng túng, Lựu đã nghĩ ra cách trả lời:

- Con ở đơn vị ông Ba Kiên. Con lạc từ hôm đánh nhau ở Cầu Sắt.

Bà mẹ soi đèn vào mặt, lại soi đèn vào bộ quần áo lạ lùng của Lựu.

- Tôi không biết ông Ba Kiên, nhưng nếu anh lạc, muốn vào đây nghỉ nhờ thì vào trỏng.

Bà mẹ chỉ vào trong nhà.

- Lựu không biết làm sao cho bà mẹ tin mình, bỗng nhìn ngọn đèn hoa kỳ, anh nói như reo lên:

- Má vẫn thắp đèn suốt đêm trước hầm vậy à?

Má Hai:

- Tính tôi quen như vậy từ lâu rồi.

Anh kêu đói. Má lấy cơm và mắm tép cho ăn. Đến sáng, má thức anh dậy và nói:

- Anh đây không được đâu. Sáng ra các ông quốc gia ổng đến, ổng lại bảo tôi là chứa Việt Cộng.

- Nhưng má bảo con đi đâu bây giờ?

- Tôi biết sao được? Có lẽ anh nên đi tìm đơn vị mà về...

Má Hai ngờ ngợ, không biết xử trí làm sao. Nếu là chiến sĩ của trung đoàn thật thì để cậu ta đi lang thang nhất định sẽ bị bắt. Nếu như chỉ cho cậu ta chỗ tạm tránh thì ngộ nhỡ đúng phải tên điệp thì sao?

Giữa lúc đó thì Lựu buột miệng:

- Trung đoàn đi rồi hả má?

Má Hai im lặng. Khi Lựu sắp ra đi thì má gọi lại:

- Nếu ông biết chỗ các ông Việt Cộng ở mọi lần thì ông cứ ra đó mà chờ họ.

Nếu quả là người của trung đoàn và là người biết mật hiệu của ngọn đèn hoa kỳ, thì cũng sẽ biết cái chỗ ông Ba Kiên vẫn ở trong những ngày trước đây.

Lựu buồn xỉu toan đi, thì bà mẹ gọi lại lần nữa:

- Ông cầm nốt ổ bánh mì đi mà ăn. Tôi mua cho ông đấy. Tôi không ăn được bánh mì đâu.

Lựu cầm bánh mì, đi ra bưng. Suốt ngày anh ngồi trên bờ rạch, nơi ông Ba Kiên ngồi mọi lần. Anh bỗng cảm thấy bơ vơ. Anh nhớ đến những ngày sống ở đơn vị. Những tiếng cữời những khuôn mặt. Họ sống vô tư làm sao. Bây giờ ở một nơi nào đó, họ đang ngồi nói chuyện với nhau, nói đủ các thứ chuyện trên đời. Chuyện quê hương, chuyện tình yêu, chuyện chiến đấu. Rồi họ vật nhau, trêu nhau. Nếu có anh ở đó, thì họ sẽ gọi anh là ông chăn vịt. Anh cảm thấy mọi người đều rất đáng yêu. Ngay như tiểu đội trưởng Lâu mà anh em vẫn gọi là ông Trương Phi đó, đối với anh cũng rất tốt, mặc đầu đã có lần Lâu nắm lấy cổ áo anh mà kéo đi...

Rời khỏi đơn vị, anh thấy rất buồn. Đôi mắt của Má Hai nhìn anh đầy nghi ngờ làm cho anh đau khổ. Anh không phản bội. Nhưng Má Hai vẫn gọi anh bằng ông như “lính quốc gia” vậy. Anh chỉ muốn tìm một nơi nào đó để sống yên thân. Có một nơi nào như vậy không? Trước đây. anh nghe nói có những người lính không đầu hàng giặc, nhưng cũng không trở về quê hương. Vì sĩ điện, họ bỏ trốn đơn vị và đến một nơi nào đó làm ăn. Có thể như thế được không? Khi anh trở về Tân Thới Hiệp, anh đã nghĩ là trung đoàn đi rồi. Anh làm như mình là một người lính lạc ngũ. Và anh sẽ nhờ Má Hai tìm cho một công việc gì đó để làm ăn, chờ bắt liên lạc với trung đoàn. Nhưng từ khi gặp Má Hai, nhìn đôi mắt của má anh bỗng thấy kinh sợ. Má không nhìn anh với con mắt bình thường nữa. Hình như anh đã trở thành một người xa lạ. Đêm thứ hai, anh lại trở về nhà Má Hai. Má nhìn anh một lúc rồi hỏi:

- Ủa! ông vần còn ỏ đây sao?

Lựu khóc.

Má Hai:

- Thôi, vào trỏng đi!

Thực ra, má đã nấu một nồi cơm và kho cho anh một nồi tép dừa thật ngon, đợi từ buổi chiều ở nhà. Má biết anh đã ra ngoài bưng, nơi ông Ba Kiên vẫn ra đó mọi lần.

Chỉ có điều má không hiểu tại sao anh đã biết chỗ này mà lại không về đây từ mấy hôm trước.

Hôm qua, má đã nấu nước muối rửa vết thương cho anh. Vết thương chẳng đáng gì với những đứa khác. Vậy thì không có chuyện vì vết thương mà về trễ được. Có một cái gì không rõ ràng. Nhưng xem ra thì nó cũng chẳng phải là thằng điệp. Tuy nghĩ vậy, nhưng má vẫn chưa dám hỏi thật anh điều thắc mắc của má.

Lựu ăn cơm xong thì má giục đi nằm. Từ lúc Lựu đến, má tắt ngọn đèn trước cửa hầm. Điều đó càng làm cho anh buồn thêm.

Có tiếng súng nổ. Lựu bật dậy trước, rồi Má Hai cùng ngồi đậy. Tiếng súng nổ không gần, nhưng cũng không xa lắm. Có lẽ tụi nó về, đυ.ng độ với tụi du kích đâu ngoài bờ rạch. Mấy hôm nay tụi nó vẫn ra kích đêm trên các ngả đường đi sang cầu sắt về Vườn Cau Đỏ và ra bến sông.

Nghe tiếng súng nổ, má vừa lo nhưng cũng vừa vui. Chúng nó vừa mới đi khỏi hai ba ngày mà má nhớ quá! Má sờ hộp quẹt, quẹt lửa. Châm vào ngọn đèn và để lên trước cửa hầm. Khi quay lại. trông thấy Lựu ngồi cạnh, má nói:

-Vào trỏng đi! Các ổng đυ.ng độ nhau...

Và má đi ra ngoài sân. Ra đến sân, má lại đi thẳng ra đường. Má đứng đó, trước lối vào nhà má. Ngọn đèn sẽ hát đủ ánh sáng cho người đi xa đến trông thấy má trước cửa.

Súng chỉ nổ vài loạt rồi im. Hình như có tiếng lựu đạn.

Má không rành lắm tiếng súng đạn, nhưng hướng ấy thì chỉ có đυ.ng độ chứ không có đồn bốt nào cả.

Má đứng một lúc mỏi chân thì ngồi xuống. Cứ như vậy, má nhìn vào bóng tối, hai mắt nhòa đi.

Một lúc má nghe có tiếng động. Quay lại thì thấy Lựu đang ra ngồi bên cạnh, Má không đuổi cậu ta nữa, má nói:

- Ngồi khuất vào trỏng, sau bóng cây, ở đó người ta trông thấy.

Lựu lùi lại.

Từ khi nghe tiếng súng, anh cũng nghĩ là thế nào cũng có anh em mình trở về. Vì anh nghe rõ sau loạt súng cực nhanh có một loạt AK và tiếng lựu đạn nổ.

Mới mấy ngày trước đây, anh bỏ trốn đơn vị, thì tự nhiên bây giờ anh lai muốn được gặp những anh em trong đơn vị trở về. Mới mấy ngày nằm ngoài bờ rạch một mình, nhịn đói, trốn địch, và nhất là sau khi gặp bà má, anh nhận ra rằng chẳng có cách nào khác là về lại đơn vị của mình. Nhưng sẽ nói sao với những anh em đó, nói sao với bà má? Lúc nghĩ vậy anh lại định trốn. Nhưng rồi nhìn ra bóng tối anh lại không đủ can đảm. Thôi, cứ kệ vây. Rồi ra sao thì ra. Anh đi ra ngồi bên canh bà má.

Có tiếng chân đi tới, rồi có tiếng nói:

- May quá! Vẫn có ánh đèn trước hầm.

Một chiến sĩ cao to chạy đến, nắm lấy hai vai Má Hai lắc, rồi hét lên:

- Má!

Người thứ hai đi sau, nói nhỏ và có vẻ rụt rè hơn:

- Má ạ!

Má Hai:

- Chúng mày vừa đυ.ng tụi nó à? Có đứa nào việc gì không?

- Sầy da một chút. Chúng con táng nó trước đấy chứ? Chúng con đến đây, không thấy đèn trước hầm, đi vòng sang Cầu sắt, gặp tụi nó. Con điên tiết cho một băng rồi chạy. Qua đây, con lại định vòng sang Voi Lớn, nhưng thấy má đã thắp đèn nên mới vào. Hồi đêm chúng nó phục ở đây hả má?

Má Hai sực nhớ ra Lựu, quay lại:

- Có thằng tụi bay lạc vào đây. Tao nghi nên tao tắt đèn.

- Ai vậy, má?

Lựu nhận ra Nghĩa trước và trán bỗng vã mồ hôi. Anh đứng trơ ra như phỗng. Nghĩa thì vẫn chưa hay chuyện Lựu bỏ trốn, nhưng vốn ghét Lựu từ cái hôm bỏ chạy ở cầu sắt. Vừa trông thấy mặt cậu ta, anh đã nói như thét lên:

- Sao cậu lại ở đây?

- Chốc nữa em nói với anh.

- Nói gì? Trốn à?

Tuyên “đá” thấy có Má Hai bên cạnh, bấm vào tay Nghĩa:

- Anh Nghĩa, để nói chuyện sau.

Má Hai:

- Thôi, vào trỏng đi. Có gì rồi anh em nói chuyện với nhau. Đừng làm nó sợ.

Họ vào nhà. Má Hai đi nấu cơm. Nghĩa kéo Lựu ra ngoài sân:

- Sao cậu lại ở đây?

Lựu đã đủ thì giờ để sắp xếp xong những câu trả lời:

- Hôm xuống bến, đại bác bắn rát quá, em chui xuống hầm, đến khi lên thì xuồng họ đi mất, nên em quay trở về.

- Trở về sao không về bên kia mà lại về bên này?

- Hôm ấy, em không biết đơn vị về bên kia, đến đây em không thấy ai qua lại nữa, em mới đoán là trung đoàn đã về bên ấy.

- Sao biết trung đoàn về bên ấy mà lại không theo về?

Thấy Nghĩa đã bị lừa, Lựu trả lời có vẻ sợ sệt nhưng thật thoải mái:

- Hôm về đây, em đi một mình, suốt ngày nhịn đói, chỗ nào cũng gặp tụi nó, nên em đâm sợ, không dám đi lại một lần nữa.

- May mà gặp tụi tao tới đây, nếu không cậu định ở đây mãi làm phó thường dân chắc! ăn mặc gì lạ vậy?

- Đi một mình nên em phải tìm bộ đồ này mặc cho chúng nó đỡ nghi. Nếu trường hợp chúng nó bắt được thì em khai là thường dân.

Nghĩa tuy tức giận nhưng cũng phải bật cười vì câu nói ngây thơ của Lựu.

- Nó đã bắt được thì đợi đó làm thường dân? Nó lại không cho cậu rục tù, đánh cho đến khai hết rồi đưa đi làm lính dù, ra trận rồi mà làm thường dân.

Nghĩa mới nổi giận đùng đùng lên đó, nhưng một lúc đã quên hết và trở nên vui vẻ. Anh ra giếng múc nước dội ào ào, xong chạy vào bếp, ngồi một bên bà má.

- Có phải thằng cha Tám gì đó không?

- Thằng đó đó.

Nghĩa tưởng đâu bà má phải tỏ một thái độ ngạc nhiên hoặc lo sợ như thế nào, nhưng má nói một cách thật bình thản:

- Cái lão ấy trông mặt tao đã không ưa từ hôm mới đến lận. Thằng Hùng nó còn ở chỗ chú Ba không?

- Ông ba gửi ó lên Miền rồi

- Hôm tao chỉ sợ ổng cho nó đi với cái lão đó.

Hai người ngồi ăn cơm, má nhìn Tuyên.

- Chú này nhìn trông bộ mới, chắc vừa ngoài vào?

- Không nó cũng vào lâu rồi, nhưng không hay đến đây

- Không biết thằng Hai nhà tao đận này có về không?

- Đêm nằm tao toàn chiêm bao thấy nó. Hồi trước nó ở tiểu đoàn “ba lẻ bẩy” đó!

Má ngồi nhìn hai người hỏi Tuyên.

- Chú em này bao nhiêu tuổi rồi.

- Dạ vừa đúng hai mươi.

- Bộ đội miền bắc thằng nào cũng trẻ và đẹp. Cậu học lớp mấy.

- Dạ lớp mười ạ.

- Lớp mười là ngang bằng tú tài toàn phần trong này đó, má giỏi thiệt thằng Hùng nhà tao mười lăm mười sáu tuổi đầu rồi mà chữ viết cứ như con gà mạ, không đi giải phóng thì rồi chỉ đến suốt ngày vác thùng cạy đi mò cá ngoài bờ rạch chớ bộ biết mần chi ở cái đất chết tiệt này. Tụi bay coi đánh lẹ lẹ cho xong thằng Mỹ để tao còn sống, còn ra bắc coi đây, coi đó một chút.

Lựu ngồi im lặng nghe ba người nói chuyện. Khi nghe nói thằng Tám Hàn đầu hàng, anh trở nên sửng sốt rồi đỏ bừng cả hai tai. Chỉ một chút nữa! Có thể cái đêm ở ngã ba bến thương binh, thằng Tám Hàn cũng ra đó mà mình không biết. Một lúc trán anh lấm tấm mồ hôi. Có một sự may mắn nào đó cứu thoát anh? Lựu tự hỏi mình: nếu như đêm hôm đó anh gặp thằng Tám hàn thì sao? Biết đâu ma quỷ lại không xúi giục mình đi vào con đường tội lỗi?

Cũng trên ngã ba ấy, thằng Tám Hàn rẽ sang trái và vào bốt, còn anh thì rẽ sang phải và thụt lùi lại phía sau. Anh rùng mình: chỉ trong gang tấc nữa thì mình đã sang xuống vực thẳm của sự phản bội.

- Thằng này bệnh hay sao mà trông mặt nó khác vậy? Tụi bay coi coi!

Má Hai quay lại nhìn lựu nói vậy.

- Dạ không can chi. Chắc là con muốn lên cơn sốt!

- Vậy thì đi nằm đi.

Tuyên mắc võng. Còn Má Hai thì đi tìm tấm đắp cho Lựu.

Lựu lên võng nằm rồi, Má Hai hỏi Nghĩa.

- Vậy là thằng này làm sao lạc?

Tuyên đá giành lấy phần trả lời:

- Anh ấy đánh nhau rồi lạc.

- Vậy mà nó lại không về luôn đây, nó cứ quanh quẩn mãi, thế tao mới sinh nghi, tao thương quá mà không dám nói thiệt. Biết nó là ai mà lại nói những chuyện ông Thận với ông Thực. Cả cái vùng này, tụi lính dù đứa nào không biết đại úy Hoàng Thực chỉ huy tiểu đoàn đánh nhau mãi ở Gò Sao? Tội nghiệp cái thằng!..

Má Hai đứng dậy, quẹt lửa châm lên cây nhang trên bàn thờ, rồi hỏi Nghĩa:

- Mày có biết con Tám Trân không?

- Dạ con đang định tìm gặp chị ấy.

- Nó bị thương đi viện rồi.

- Đêm anh ba đi một lúc, nó đến đây với hai thằng nữa, dặn tao từ nay, nếu có tụi lính đến thì nói là các ông Việt Cộng về ở, rồi bây giờ các ông đi đâu tui không biết. nó còn bảo tao là tình hình khó khăn, có lẽ nó không về đây được luôn đâu. Ăn vội bát cơm nó đi. Một lúc nghe súng nổ rồi hai đứa khiêng nó về, máu me đầm đìa…

Má Hai nói vậy và nhớ lại cái hôm má đứng bên cáng Tám Trân bị thương gãy tay, vậy mà nó vẫn còn nói rành rõ chỉ có giọng hơi run một chút:

- Có xuồng đưa chị đi rồi, các em khỏi theo, về nhà chuyển chỗ ở cho kịp. Còn gì để ở nhà hai mang đi luôn.

- Nhớ như chị dặn.

Nó nói như vậy với hai cậu cán bộ rồi gật đầu chào má. Trong khi má nước mắt lưng tròng thì nó lại cười. Từ hôm đó đến nay, má vẫn thắp ngọn đèn trước hầm mà chẳng ai đến.

- Có một lần má nghe súng nổ ngoài đường rồi mấy thằng ngụy chạy vào sục sạo khắp nhà. Chắc mấy đứa đi đυ.ng tụi nó...

Lựu nằm trên võng, anh vẫn lắng nghe câu chuyện giữa ba người. Cái tình thương yêu đùm bọc của đồng đội. Của hậu phương mà mấy hôm nay anh tưởng như vĩnh viễn mất đi rồi nay lại đến vây quanh. Mới cách đây hơn một tiếng đồng hồ, anh vần nằm thao thức vì nó.

Không có cái hạnh phúc nào mà không phải trả giá. Không biết ngày xưa có một thằng bạn học nào đó đã nói với Lựu như thế. Bây giờ ngồi đây, anh chợt nghĩ đến câu nói này và tự nhủ: “Những người như Nghĩa, như Tuyên đã trả giá cho những phút giây hạnh phúc này của họ”. Còn anh, anh đã không đủ can đảm.

Má Hai bây giờ có vẻ tình cảm với anh chẳng qua vì anh là đồng đội của Nghĩa, của Tuyên, của những người như ông Thực, ông Thận. Anh bỗng nhìn xuống cái áσ ɭóŧ dân sự của mình và cảm thấy bối rối.

Nghĩạ đi liên lạc với mấy nơi đều không gặp một ai cả.

- Không biết có phải từ cái hôm có đυ.ng độ mà nó lại bắt đầu chú ý không? Ban đêm tụi nó đi lại tuần tra, đi kích ở các khu vực trước đây mình vẫn lui tới.

Nghĩa và Tuyên đi nghiên cứu lại mấy địa điểm đóng quân cũ, chỗ nào cũng đυ.ng tụi nó. Anh bàn với Tuyên:

- Cho nó một trận rồi về thôi. Bên này cũng như bên kia, chẳng khác gì nhau.

Tuyên:

- Nhiệm vụ của chúng mình sang đây không phải là đi đánh nhau. Làm như thế là ra có việc gì thì chỉ gây thêm khó khăn cho trên.

Nghĩa:

- Cậu nói cứ như chính trị viên không bằng!

Nói vậv nhưng rồi Nghĩa thôi, không bàn lại chuyện tổ chức tập kích địch nữa. Từ sau khi gặp Lựu, họ thấy phiền phức thêm lên một ít. Đi đâu, cũng phải đưa cậu ta đi theo, vì sợ câu ta lại trốn mất. Nghĩa thì cho rằng cứ nên để câu ta ở lai chỗ Má Hai như mọi ngày, nhưng Tuyên không chịu. Anh cho rằng thằng Lựu đã dao động như thế thì phải kèm chặt cậu ta, không được buông lỏng. Cuối cùng Nghĩa cũng đồng ý, nhưng đi đâu. anh cũng cần nhằn:

- Cậu chỉ được làm khổ người ta. Lính với tráng.

Đêm, họ để Lựu nằm lại ở nhà Má Hai, còn Nghĩa và Tuyên thì đi nghiên cứu lại các căn cứ cũ. Ban ngày, họ ra rạch nằm, đưa Lưu đi theo vì mọi viêc đều có thể xảy ra ban ngày.

Ngày thứ ba, trời mưa to, cả ba người chạy vào tránh mưa trong ngôi nhà bỏ. Cái nhà bỏ từ lâu, trống huơ trống huếch. Ngoài bức vách chia đôi ngôi nhà ra làm hai nửa cân nhau, một vài tàu lá dừa nước rơi xuống từ mái tranh bị tốc lên vì nhũng trái pháo, thì lòng nhà chẳng còn chút gì trong đó nữa. Cơn mưa mỗi lúc một to. Trông ra ngoài trời chỉ thấy một màu trắng xoá. Lúc đầu họ còn trải những tấm lá dừa nước để ngồi nghỉ, nhưng dần dần, nước mưa hắt qua khung cửa trống, qua những lỗ trống trên mái tràn vào nhà, lõng bõng. Những cơn mưa vào khoảng tháng sáu, tháng bày ở đây thường kéo rất dài, có khi suốt cả ngày không ngớt.

Nghĩa nói:

Trời này chúng nó không đi đâu đâu. Chúng mình về nhà Má Hai nghỉ. Tội gì ở đây cho khổ.

Lựu đồng ý:

- Anh Nghĩa nói phải đó!

Tuyên nhìn ra ngoài trời...

Bỗng anh đứng bật đậy, khoát tay cho hai người lùi vào. Cùng lúc đó, có tiếng người chạy:

- Mau mày, trong này có cái nhà bỏ!

Ba người lùi vào gian nhà trong, thì ào một cái, có hai người khác chạy vào gian nhà ngoài. Hai tên lính nguỵ! Chúng nó giũ áo mưa, chống súng lên vách. Một thằng nhìn quanh:

- Đù mẹ, cái nhà này cách đây mấy ngày là căn cứ của Việt Cộng đây!

Một thằng vẫn nhìn ra ngoài trời:

- Tiên sư nó! Trời đất này mà cứ đi tuần tra vậy hoài thì khổ bằng con chó...

Một thằng rút thuốc lá ra hút. Một thằng kéo tấm lá dựa lưng vào vách, ngáp một cái rồi nhắm mắt lại. Cả hai thằng đều mặc quần áo rằn ri của lính dù. Nghĩa nhìn qua lỗ thủng của bức vách, không bỏ sót một cử chỉ của chúng. Anh lắc lắc khẩu súng ra hiệu cho Tuyên và quay lại trợn mắt lườm Lựu một cái. Lúc bấy giờ sắc mặt Lựu đã tái mét. Tim Tuyên đập mạnh, vì đây là lần đầu tiên anh tham gia một cuộc đυ.ng độ có tính chất mạo hiểm như thế này.

- Giơ tay lên!

Hai mũi súng chĩa thẳng vào hai tên lính nguỵ.

Chúng nó há hốc mồm không kêu lên được một tiếng và cùng giơ tay lên một lúc như đồng diễn thể đυ.c.

- Đồng chí Lựu, ra thu vũ khí!

Lựu hơi lóng ngóng, nhưng rồi anh cũng hoàn thành nhiệm vụ, nhặt hai khẩu súng để vào tận trong góc thật xa.

Nghĩa cởi cái dây thép phơi quần áo trong nhà, trói giật cánh khỉ hai đứa lại, làm chúng nó đau quá, rên lên.

- Kêu một tiếng là tao bắn chết tươi!

Nghĩa cau đôi lông mày râm đen, nhìn thẳng vào mặt chúng nó làm hai tên lính dù sợ quá, phải quay mặt đi.

Bây giờ Lựu đứng bên ngoài mới trông thây hết cái vẻ dữ tợn của Nghĩa. Hai hàng râu quai nón lâu ngày chưa cạo kéo lên che tận mang tai làm cho cậu ta trông giống như một ông tướng Tàu mà Lựu đã trông thấy trong một cuốn sách nào đó. Cái áo phanh cúc trước ngực để lộ những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn.

Hai thằng ngụy run.

Bỗng có tiếng gọi từ ngoài vào:

Thằng Đực và thằng Sáu Râu ở trỏng không?

- Im! Nghĩa chỉ vào trong nhà.

Hai đứa theo tay chỉ, đi vào sau tấm vách. Nghĩa vẫn gí mũi súng vào sau lưng chúng nó, đi theo từng bước.

Đực à! Sáu Râu à! Tiên sư chúng mày! Chui vào cái xó nào mà bắt ông kêu mãi? về rồi ông thiếu uý ông cho vào nhà đá!

Nghĩa chỉ tấm giẻ rách ở góc nhà ra hiệu cho Tuyên. Họ nhét cái giẻ bẩn vào đầy mồm hai thằng ngụy. Ngoài đường, tụi ngụy vẫn chạy đi chạy lại.

- Tao bảo là chúng nó vào trong đó mà!

- Thì mày vào xem đi! Tao đã chạy vào tận nơi gọi chẳng thấy. Tiên sư chúng nó! Chắc lại nghĩ trời mưa, thiếu uý không gọi nên lần mò đi tìm mèo rồi!

- Thôi tội chó gì mà chạy giữa mưa thế này? Vào đây ngồi trú chút đã, mày!

Nghĩa chỉ vào khẩu súng, ra hiệu cho Lựu canh chừng hai thằng ngụy và anh bước ra mép.

Anh không quên liếc Lựu một cái thật dữ tợn. Tuyên cũng lăm lăm súng trong tư thế xung phong.

Nhưng rồi hai thằng ngụy ở ngoài đó bỏ đi.

Cuộc chiến đấu bất đắc dĩ và bắt tù binh cũng bất đắc dĩ làm cho họ lâm vào một tình trạng thật khó xử. Hai thằng ngụy đi rồi nhưng nhất định nó sẽ trở lại. Mất hai thằng lính một lúc không phải là chuyện chơi.

Nghĩa nói với Lựu:

- Cậu cầm súng đứng bên cạnh chúng nó và hễ thấy chúng nó rục rịch thì bắn ngay, hiểu không? Để chúng tớ bàn công việc một chút.

Anh ra hiệu cho Tuyên ra nhà ngoài.

Tuyên lấy tay gạt mồ hôi trán, cười.

Nghĩa cũng nhìn anh, cưòi. Mặt Tuyên hơi tái đi, còn Nghĩa thì trông vẫn không có gì đổi khác, chỉ có vẻ dữ tướng hơn một chút. Nghĩa đưa bàn tay lên ngang cổ, nói rất khẽ:

- “Phăng teo” thôi chứ?

- Đành phải thế.

Tuyên nghĩ đến Má Hai. Thả nó ra đây thì Má Hai sẽ bị liên lụy vì nhà Má Hai cách cái nhà bỏ này không xa lắm. Một cuộc đυ.ng độ xảy ra ở đây có nghĩa là Má Hai có liên quan với Việt Cộng hay ít nhất thì cũng biết chỗ Việt Cộng ở mà không khai báo. Nghĩa toan rút dao găm thì Tuyên ngăn lại:

- Đưa nó đi!

Nghĩa gật đầu.

Họ đưa hai tên tù binh đi ra phía nhà sau. Trời vần mưa. Họ tạt vào vườn mía rồi đi dọc theo luống mía đến chỗ giáp mí bờ rạch.

Đến đây thì hình như hai thằng ngụy hiểu ra. Và thằng Sáu Râu (họ biết tên nó vì nhiều râu) bỗng ngồi thụp xuống. Hai tay hắn bị trói giật cánh khỉ, miệng bị nhét giẻ vào,

không biết làm sao, hắn cứ gật lên gật xuống, cái đầu trông như một con thú. Nghĩa đứng lặng đi một lúc rồi rút dao găm ra:

- Đáng lẽ thì chúng tao không gϊếŧ chúng mày làm gì, nhưng bây giờ tình thế bắt buộc phải thế. Thôi chúng mày chết cho lợi ích cách mang vậy!

Thằng Sáu Râu nghẹ nói vậy thì mặt trắng bệch ra và đổ gục xuống như một cái cây bị bão. Thăng Đực vẫn đứng yên, hắn quay lại nhìn Nghĩa, hai mắt đυ.c ngần và hai gò má bạnh ra, nổi lên những thớ thịt. Hắn đang đẩy cái giẻ trong miệng ra. Tuyên không muốn kéo dài tình trang đó nữa, nói với Nghĩa:

- Thôi, tiến hành đi anh!

Nghĩa rút dao găm bước tới…

Anh buông dao thì bỗng thấy mệt nhoài. Anh ngồi bệt xuống giữa luống mía, nhìn hai cái xác chết trước mặt:

- Nếu tao đánh chính quy với mày, thì mày không đến nỗi như thế này. Chúng mày thông cảm cho, tình cảnh cuộc chiến đấu của chúng tao bây giờ nó khác rồi.

Nhưng chỉ một phút sau. Nghĩa đứng dậy, cầm con dao xuống đất, dũi di dũi lại, rồi lau lên lá mía và tra vào vỏ. Anh quay lại hỏi Lựu:

- Cậu sợ lắm à?

- Em sợ lắm.

- Đừng sợ. Tâp cho nó quen đi. Đánh nhau thì phai thế.

Hoặc là mình chết, hoặc là nó chết.

Suốt đêm ấy, họ về nhà Má Hai, ăn cơm, lấy gạo và ra đi.

Suốt đêm đó, Tuyên không nói một câu nào. Anh bỗng cảm thây như sau cái sự việc đó mình già đi hàng chục tuổi. Anh nghĩ đến những điều mà xưa nay anh chưa từng nghĩ. Rồi đây, trong cuộc chiến đấu này, anh sẽ còn gặp bao nhiêu trường hợp khó xử như thế. Và bỗng nhiên anh nghĩ rằng, từ hôm qua trở về trước, anh vẫn còn là một đứa trẻ.

Sau khi Nghĩa đi, ông Ba Kiên về ở với tổ Nam. Tổ Nam có bốn người, cộng thêm với nhóm ba người của ông Ba Kiên nữa là bảy. Họ ở hầu như tuyệt đối bí mật. Đã mấy hôm nay trung đoàn mất liên lạc với cán bộ địa phương, vì vậy họ lại càng tịt mù tin tức. Bánh mỳ và gạo rang họ đã chia ra, ăn dè dặt lắm, nhưng đến nay thì hầu như hết nhẵn. Ngày hôm đó, cả bảy người chỉ có một ổ rưỡi bánh mì. Họ phải lấy mía, chặt cây chuối ăn thêm cho đỡ đói. Bằng mọi giá, họ phải vào được ấp.

Đêm ấy, ông Ba Kiên quyết định chia bộ phận còn lại làm hai: tổ Nam cộng thêm Thắng và cậu chiến sĩ của tổ Nghĩa để lại, sẽ tập kích vào tụi địch nống ra trên đường 8, còn tổ Canh thì cùng thời gian, đột nhập vào ấp và mua gạo.

Đêm đi nghiên cứu về mệt, ông Ba Kiên trải vải mưa trong đám mía nằm ngủ. Thắng không ngủ được. Cậu ta ngồi thơ thẩn chẳng biết làm gì. Thật là buồn. Lúc Thắng chưa xuống vùng ven, anh nghe số anh em đi xuống trong đợt một về kể chuyện vào ấp. Chuyện gặp đồng bào ven đô. Chuyện vào gần Sài Gòn trông thấy ánh đèn điện sáng rực. Rồi chuyện các má. Các chị vào trong căn cứ cho quà. Chuyện ngồi trong những vườn chanh vườn quýt, đánh nhau xong lại bứt trái cây mà ăn... Bây giờ xuống đây, suốt ngày anh ngồi một mình trong bãi mía...

Buồn quá, anh ra bờ rạch. Anh nghĩ đến chuyện câu cá. Hồi lên đường đi B, người ta phổ biến kinh nghiệm là nên mang theo một vài cái lưỡi câu để câu cá ở những con suối trên đường hành quân mà cải thiện. Cái lưỡi câu ấy bây giờ anh vẫn giữ. Thắng bẻ một cành cây làm cần câu, lấy dao găm đào tìm mồi giun hai hên bờ rạch, gói vào một cái lá và ra một gốc vắng ngồi câu.

Buổi trưa, nước trong vắt cá không ăn mồi. Chỉ có vài ba con cá mương lượn đi lượn lại, rồi đột nhiên xông vào rứt một miếng mồi và bơi biến đi mất. Một lúc, kéo cần câu lên thì mồi giun đã lại hết. Đang lúc mải mê. Thắng bỗng nghe có người nói bên cạnh:

- Chú câu vậy, chừng nào mới được?

Anh người nhìn lên. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi, đội nón lá, mặc quần xà lỏn. tay xách một giỏ đựng cá, tay kia xách một cái cần câu cong vυ't. Anh ta ngồi xuống bên cạnh Thắng. Quấn một điếu thuốc lá rê hút, thuốc khói bay lên khét òm.

- Phải câu chìm mới ăn. Dây câu chú có chì không?

- Tôi câu chơi vậy.

Người đàn ông ngồi nghỉ chơi nhìn chung quanh, một lát lấy một con cá chuối to tướng còn giãy đành đạch.

- Chú cầm lấy con cá này mà nấu canh chua thì ngon hết biết.

Lúc đầu Thắng còn chần chừ, nhưng người đàn ông nói thật thoải mái:

- Chú cứ cầm lấy đi, tôi còn cà giỏ, ăn chi hết!

Mình cứ lấy, về mổ ra, nướng lên giầm muối tiêu cho chú Ba ăn. Mấy bữa nay chú đi nghiên cứu suốt đêm, về chẳng có cái gì vào bụng. Thắng nghĩ vậy và cầm lấy con cá. Người đàn ông giục:

- Đưa về nhanh, làm cho nó tươi.

Thắng cầm con cá chạy đi luôn, quên cả cảm ơn. Còn người lạ nhìn theo một lúc rồi cũng xách giò cá đứng dậy.

Con cá lóc đến gần bảy tám lạng, Thắng cạo vẩy, bỏ ruột, rồi lấy những lá mía khô nhóm lửa. Con cá khỏe thật, chặt đầu rồi mà nó còn giãy lên đành đạch. Thắng cầm cái que định xiên qua con cá, lại tuột tay rơi xuống.

- Cá đâu vậy, Thắng?

Nghe ông Ba Kiên hỏi, Thắng quay lại, giơ cao con cá:

- Chú xem, cháu câu được con cá to thế này! Đến một cân không, chú Ba?

Trong lúc Thắng chờ đợi một lời khen của trung đoàn trưởng thì ông Ba Kiên nghiêm nét mặt, hỏi:

- Cậu đi câu ở đâu vậy? Có ai trông thấy cậu ngồi câu ngoài đó không?

Thắng lặng thinh, bỏ rơi con cá xuống đất:

- Có một người cho cháu con cá này.

Ông Ba Kiên định hỏi Thắng xem người như thế nào, từ đâu tới, thì một chiến sĩ từ tiểu đội Nam chạy hớt hơ hớt hải đến:

- Báo cáo thủ trưởng, ở hướng đường bờ đằng sau vườn mía và đường bờ bên phải vườn mía đểu có tụi lính. Anh Nam đề nghị thủ trưởng cho vượt đường!

Ông Ba Kiên vừa mới ngủ dậy, ông vội vàng quơ cái xà cột bên cạnh và quấn tròn tấm vải mưa lại:

- Về nói với đồng chí Nam cho bộ đội rút dọc theo vườn mía, ra sát đường bờ bên phải. Nếu gặp địch thì nổ súng vượt sang vườn mía bên kia đường. Tối về gặp tôi ở ngã ba bến thương binh báo cáo tình hình. Tôi sẽ đi theo tiểu đội Canh.

Ông vừa nói vừa buộc tấm vải mưa vào thắt lưng. Trong lúc đó, Thắng củng đã vứt con cá, chuẩn bị xong bồng súng.

- Đi! - Ông Ba Kiên nói vậy và đi về phía tiểu đội Canh.

Tiểu đội Nam rút dọc theo luống mía. Còn tiểu đội Canh theo lệnh của ông Ba Kiên, rút ngang qua những luống mía để phân tán mục tiêu của địch.

Canh dẫn tiểu đội ra gần đến mí đường thì đã nghe tiếng tụi lính la hét. Các chiến sĩ nằm dán mình xuống đất sau luống mía. Họ nhìn ra đường và đưa mắt nhìn Canh nhận lệnh.

Canh sẽ ném lựu đạn trước, sau đó tất cả cũng ném lựu đạn và nhảy qua đường. Canh sẽ rút sau để xử trí tình huống bất trắc và để đảm bảo cho tất cả rút an toàn. Bên kia con đường vẫn là một vườn mía. Họ sẽ rút dọc theo vườn mía khoảng bảy tám trăm mét, rồi lại tạt xuống rạch, qua bên kia bờ mà rút về ngã ba bến thương binh. Con đường rút lui và địa hình ở đây đã được ông Ba Kiên nghiên cứu trước từ hôm mới đến đây.

Từ lúc vứt con cá, vội vã xách bồng chay theo sau ông Ba Kiên, Thắng rất lo. Anh chưa biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau cái vụ câu cá này. Ông Ba Kiên chưa hề nói với anh một câu nào về chuyện này nhưng anh biết là ông đang rất bực:

- Chạy đi! Anh đang nằm thì nghe tiếng lựu đạn nổ và có người nắm lấy vạt áo kéo dậy.

Thắng đã quên mất không ném lựu đạn. Qua khỏi đường, Thắng nhớ 1ại và định quay tìm ông Ba Kiên thì lại đã có một bàn tay nào nắm chân anh giật ngã xuống. Liền đó, một quả đạn kêu sè sè và nổ ngay bên cạnh. Địch bắn cao đạn chiu chiu ngang qua đầu.

- Rút nhanh lên, nằm chi đó nữa?

Bây giờ Thắng mới nhận ra người nằm bên cạnh anh là ông Ba Kiên. Một người, hai người, rồi ba người chạy trước anh. Thắng cũng nhổm dậy và anh không biết là mình đang chạy. Một lúc, anh quay lại thì đã không còn thấy ai đằng sau anh. Đạn bay cắt ngang những ngọn mía. Tiếng địch la hét nghe rõ mồn một. Bỗng hai tiếng lưu đạn nổ rền, tiếp theo những loạt AK chen lẫn những loạt đạn M16.

- Bắt lấy nó.

- Bắt lấy thằng tóc bạc!

Chúng nó đang đuổi bắt ông Đa Kiên. Thắng chợt hiểu ra điều đó. Và như một cái máy, anh ù chạy quay trở lại.

- Bục! Bục! Bục!...

Khói dựng lên trước mặt Thắng. Anh nằm xuống, hướng mũi súng về phía mặt đường, nhưng không thấy gì cả.

- Nó chạy về hướng này đây! Rõ ràng tao trông thấy hai cái chân mốc cời của nó!

- Tao đã nhắm đúng giữa ngực. Nó không thể chạy quá khỏi nơi này mười mét. Vào đi! Đù mẹ... sợ à?

Ở lại tìm ông lúc này không được, mà đánh nhau đây thì càng không được. Nếu quả thật ông Ba Kiên đang bị thương nằm cách đây mười mét như thằng lính nào đó vừa nói. Thắng còn lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì những cành mía trước mặt xao động.

- Đấy, mày thấy chưa? Dấu chân của nó...

- Không thấy có dấu máu. Vào nữa đi!...

Thắng vẫn nằm im. Anh tự nhủ: “Nếu nó vào đến đầy...”. Và anh quay mũi súng về phía tiếng nói, nằm xoay người lại, lấy luống mía làm bệ bắn, má áp vào báng súng, giống hệt như động tác nằm bắn mà anh đã học tập trước ngày lên đường vào chiến trường.

Một cái mũ sắt! Thắng bình tĩnh thu nó vào trong thước ngắm và anh nghĩ: “Nó vẫn chưa tìm thấy ông Ba Kiên”.

Thằng lính đứng lại một lúc rồi đưa tay thật nhẹ rẽ nhừng lá mía che trước mặt nó, tiến lên vài bưóc. Không biết nghĩ sao, nó lại ngồi xuống. Thắng nổ súng. Anh chỉ bắn một viên và sau đó sải chân nhảy qua luôn ba bốn luống mía và bò đi. Khắp cả vườn mía lại rộn lên tiếng súng.

Lần thứ hai, Thắng lại gác súng lên luông mía, áp má vào báng súng. Bỗng có tiếng gọi:

- Thắng! Rút đi...

Anh quay lại, nhận ra Canh liền kêu lên:

- Chú Ba còn bị thương, không biết bây giờ nằm đâu?

- Ông ấy về bờ rạch rồi. Chạy đi, mau lên!

Thắng bám theo Canh mà chạy, nghe bốn phía ran lên tiếng súng.

Khi đến khi về tới ngã ba bến thương binh, Thắng mới hiểu ra là chính ông Ba Kiên đã chắn địch cho anh chạy.

Khi Canh nổ súng cho mọi người vượt đường thì sau đó ông Ba Kiên lại dừng lại ném lựu đạn cho Canh vượt. Cũng lúc đó, ông đã nắm vạt áo Thắng, kéo lên bảo chạy, rồi lại giật anh ngã xuống để tránh lựu đạn. Ông vừa đứng dậy thì tụi nó đã nhắm ông nổ súng. Ông làm như bị thương ngã xuống, lăn đi một vòng rồi luồn trong đám mía mà rút. Lúc đó Thắng nghe chúng nó la: “Bắt lấy thằng tóc bạc” và anh đã quay lại. Ra đến bờ rạch, không thấy Thắng đâu, ông Ba Kiên cho Canh quay lại tìm.

Vậy là trong một ngày, mình đã làm phiền chú Ba bao nhiêu lần - Thắng nghĩ vậy và đến bên cạnh ông, nói nhỏ:

- Cháu xin lỗi chú.

Mới qua một cơn nguy hiểm, vậy mà bây giờ trông ông Ba Kiên ngồi hút thuốc thật ung dung. Ông cười nói vói Thắng:

- Vậy là hôm nay chú cháu mình mất một con cá to. Tiếc quá...

Đêm hôm sau, cả trung đoàn còn lại mười lăm người, tập trung ở ngã ba bến thương binh để ra đi.

Thị đã mang thư của phân khu xuống gọi trung đoàn về làm nhiệm vụ mới. Tổ Nghĩa cũng đã rút về. Trận đánh ở vườn mía, tuy mỗi bộ phận rút theo một hướng có người rút trước, có người rút sau, nhưng rồi tất cả đều về đầy đủ. Có chiến sĩ khi rút lui, trông thấy tốp địch cụm lại, còn rán ném thêm một trái lựu đạn rồi mới chạy. Không có ai hy sinh, chỉ có một bị thương nhẹ. Anh em về kể chuyện râm ran.

Đơn vị tập trung ở ngã ba bến thương binh. Ở đây, con rạch từ sông Sài Gòn chạy về, chia ra làm hai nhánh. Chính từ cái ngã ba đó, Tám Hàn đã rẽ sang trái, lên lộ 8 đi vào bốt Bà Bếp. Cũng chính ở cái ngã ba đó, Lựu thì lại rẽ sang bên phải, lùi về phía sau. Còn bây giờ, thì trước mặt chiến sĩ trung đoàn 16 là con sông Sài Gòn. Phía đó vẫn ầm ào tiếng máy bay và bom đạn. Người đứng trong hàng quân không nói gì cả có lẽ chỉ có Lựu, nhưng hình như không ai chú ý đến anh lắm.

Ông Ba Kiên thì tỏ ra rất vui. Ông nói với mấy người đứng bên cạnh:

- Một trung đoàn chừng này người kể cũng có thể đủ đánh giặc rồi chứ, bay!

Thấy ông Ba Kiên vui, Thắng hết lo cái tội câu cá. Bây giờ anh cũng liến thoắng tham gia câu chuyện:

- Bây giờ thì cháu quen rồi. Có ở lại đây bám trụ cháu cũng không ngại nữa.

Ông Ba Kiên mỉm cười.

Ông nhìn Nghĩa và Tuyên. Bỗng ông nghĩ đến việc rồi đây có thể xếp một cặp cán bộ: Tuyên chính trị viên và Nghĩa đại đội trưởng. Một lớp cán bộ đã được trải qua thử thách sẽ được bổ sung cho trung đoàn. Điều đó khiến ông thấy yên tâm.

HẾT TẬP I