Đại úy Văn rít thêm một hơi thuốc nữa rồi mới vứt cái đầu lọc xuống đất. Có điều trong khi chân hãy còn đang di di cái đầu lọc để dập lửa thì tay của viên Đại úy đã lần mò tìm trong túi điếu thuốc khác.
- Anh mà hút nữa thì chỗ này không phải là nhà đại thể mà là chỗ đốt xác đó.
- Chuyện này không trách tôi được. Ai bảo cậu bỏ tôi ở đây một mình chi. Đi đâu mà lâu dữ vậy hả ông tướng?
Đại úy Văn phải dừng câu nói của mình lại. Viên cảnh sát hết đưa mắt nhìn đồng nghiệp của mình, thì lại đưa mắt nhìn cô gái trẻ mới xuất hiện.
- Vũ Dương à, ai đây vậy? Từ bao giờ cậu nhận học viên mà tôi không được biết thế?
Nhưng nói chưa hết ý thì Đại úy Văn lại lần nữa phải dừng lại. Bởi cô gái mà anh gọi là học viên kia đã kéo khẩu trang xuống.
- Cô Hứa Hà Huệ Lan.. nhưng hôm nay đâu phải ngày khâm liệm của bà Kim Duyên đâu. Hay cô muốn theo dõi quá trình giải phẫu? Nếu vậy thì phải xin lỗi cô rồi. Chúng tôi đã giải phẫu xong.
- Đại úy nghĩ nhiều rồi. Tôi chỉ muốn nhìn qua thi thể của dì Duyên tôi một chút.
- Vậy sao? Nhưng tôi nhớ là cô đâu phải cháu ruột của người đàn bà đó.
Biết mình đã lỡ lời, Đại úy Văn lập tức im bặt. Anh đưa ánh mắt ngại ngùng nhìn Huệ Lan.
- Xin lỗi cô!
- Đâu có gì? Bởi tôi đúng là cháu nuôi của dì Duyên mà. Đúng hơn là giữa tôi và người đàn bà đó không có quan hệ máu mủ ruột rà. Nhưng dù sao hiện tại tôi cũng vẫn còn cái danh xưng là cháu gái kia mà. Biết tình trạng thi thể của dì Duyên không vì tình cảm cá nhân thì cũng vì cần phải báo cáo với mẹ nuôi chứ ạ?
Câu trả lời thực sự đủ tình đủ lý của Huệ Lan đã làm Đại úy Văn gật gù đồng ý. Trịnh Vũ Dương nãy giờ vẫn giữ im lặng đã khẽ giương cao khoé môi. Nụ cười khẩy của ai kia làm Đại úy Văn lập tức đỏ mặt. Anh chàng hướng Vũ Dương kiếm chuyện.
- Nè, cậu cười cái gì? Không mau dắt cô Lan đây vào trong đi.
- Tuân lệnh sếp!
Vũ Dương vừa nói vừa đưa tay lên trán chào điều lệnh khiến gương mặt Đại úy Văn đã đỏ lại càng đỏ hơn. Nhưng những chuyện trêu đùa đó Huệ Lan không có để tâm. Bởi nàng đang bận chú ý đến dãy nhà cấp 4 cũ kĩ tách biệt hoàn toàn với những công trình khác của bệnh viện. Có lẽ nó được tận dụng từ những phòng khám cũ mà thành, hoặc cũng có lẽ là từ khi bắt đầu xây dựng bệnh viện thì nó đã ở đấy và chưa một lần được sữa chữa làm mới.
Nhìn những mảng vừa bị bong tróc, sống lưng của Huệ Lan thoáng lạnh. Nhưng thứ làm cô gái trẻ kinh hãi hơn cả chính là cái miếu thờ nho nhỏ ở khoảnh đất trống cạnh dãy nhà. Đó có lẽ là nơi mà những linh hồn vất vưởng ở nơi này sẽ tá túc hoặc chí ít là những người sống nghĩ họ sẽ tá túc ở đó.
Nhớ khi xưa Huệ Lan còn ở cô nhi viện, nàng đã có lần nghe viện trưởng nói về chuyện này. Chuyện những người chết vì lí do nào đó chưa thể siêu thoát và họ cần một chốn ở nương nhờ, trú ẩn. Huệ Lan khi ấy nghe thì tin lắm. Bởi ma quỷ, nàng đã thấy qua rồi mà.
Nhưng khi lớn lên hay đúng hơn là khi người ấy rời đi, nàng đã thôi không nghĩ về mấy chuyện đó nữa. Để 2 người đàn ông ở lại, Huệ Lan nhấc chân bước tới chỗ cái miếu nhỏ.
Sau một lúc loay hoay cô gái trẻ cũng cắm được 3 cây nhang vào cái lư hương bằng đất cũ nát. Bên kia thấy Huệ Lan hết trầm tư rồi đi đến chỗ cái miếu nhỏ thắp hương, Đại úy Văn không kiếm được tò mò mà huých nhẹ cánh tay của Vũ Dương.
- Ngó bộ tín quá nhỉ?
- Có lẽ vì là người chứng kiến vụ việc nên cô gái ấy cũng có chút tâm trạng kinh sợ.
Đang tính gật đầu tán đồng thì điện thoại của Đại úy Văn bật kêu inh ỏi. Liếc nhanh qua dòng chữ hiển thị trên màn hình, viên cảnh sát tẻ chép miệng.
- Là sếp lớn. Sáng giờ gọi đến mấy cuộc rồi đó. Muốn anh em mình sớm kết thúc vụ này.
Rồi không biết đầu dây bên kia nói gì mà Đại úy Văn vừa cúi đầu có ý chào tạm biệt vừa bước nhanh ra cổng.
- Để ngồi vững được ở cái ghế trưởng phòng cảnh sát điều tra về trật tự xã hội thật không phải dễ. Tôi phải quay về cơ quan đây. Mọi người ở đây cô liên hệ với cậu Dương nhé!
Khẽ đáp là được ạ thì Huệ Lan đã nghe thấy bên kia gã đàn ông có tên Vũ Dương đã đằng hắng một tiếng rõ lớn.
- Tôi đã giải phẫu xong thi thể của bà Duyên. Giờ có lẽ nhân viên nhà thể đã đưa bà ấy vào lại kho lạnh rồi.
Vũ Dương lạnh nhạt nói với Huệ Lan trong khi nàng đang loay hoay mặc đồ bảo hộ. Khoác cái áo dày cộm trên người, Huệ Lan tò mò hỏi Vũ Dương.
- Biết là không phải lúc hỏi nhưng dì Duyên tôi thực sự chết do đạn bắn?
Một cái gật đầu dứt khoát khiến bàn tay nhỏ nhắn của Huệ Lna khẽ run. Nàng cố chấp hỏi thêm.
- Viên đạn có trong súng thực sự là đạn nổ. Và viên đạn đó đã thực sự găm vào não của dì Duyên sao? Nhưng không phải luật pháp nước ta đã nghiêm cấm việc sử dụng và tàng trữ súng rồi sao?
- Cô học kinh tế mà không hiểu quy luật này sao? Không cầu ắt sẽ không có cung. Nếu không có những mâu thuẫn về của cải làm nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực thì dì của cô sẽ không có tìm mua súng. Mà nếu xã hội không có nhu cầu thì mấy tên buôn súng sẽ bán súng cho ai.
- Anh..
- Trong này!
Không màng đến thái độ bực tức của Huệ Lan, Vũ Dương lạnh lùng chỉ vào cái ngăn đông ghi tên Hứa Kim Duyên. Rồi không chờ Huệ Lan có phản ứng, gã đàn ông đó đưa tay kéo cái ngăn đông kia ra.
Một cỗ thi thể với đôi mắt nhắm nghiền từ từ xuất hiện. Nhìn lớp băng mỏng bám khắp trên da mặt và đôi bàn tay của bà Duyên, lòng Huệ Lan chợt dâng lên một nỗi thương cảm. Chết là thế này. Là nằm lạnh lẽo trong hộp sắt để tới hồi được chuyển sang hộp gỗ và sau cùng là vùi sâu dưới 3 tấc đất.
- Thật là các anh đã giải phẫu tử thi.
- Không cần phải khen ngợi vì đó là việc chúng tôi đã được học và đang kiếm cơm từ đó.
Một câu nói như thể hắt nước vào mặt người khác khiến mấy lời khen ngợi mà Huệ Lan định bụng sẽ nói ra, đã được nàng nuốt xuống cổ họng. Có điều tay nghề của gã đàn ông kia thật sự rất là ổn.
* * *
Ông Quyền nhìn mớ đồ đạc bị vứt tứ tung trên nền nhà mà thoáng tức giận. Rồi chợt ông ta đứng phắt dậy. Người đàn ông tuổi gần 50 đó điên cuồng lội vào trong mớ quần áo mà lục lọi một lần nữa. Trong lúc ông ta đang tập trung cao độ thì bên ngoài chợt vang lên tiếng gõ cửa và tiếp theo sau đó là cánh cửa lớn chợt bật mở trong sự kinh ngạc tột độ của ông Quyền.
- Cái con này, mày làm cái gì vậy hả?
Tiếng nói rít qua từng kẽ răng làm Mẫn Nhi giật thót. Nhưng thật sự là cô gái trẻ đã giật mình lo lắng từ khi cánh cửa kia được mở ra. Khung cảnh ngổn ngang của căn phòng làm Mẫn Nhi phải sợ hãi lùi lại một bước.
- Dạ, thưa ông Út. Con xin lỗi! Con thấy cửa không khóa. Con..
Biết giờ có nói gì cũng không cứu nổi mình, Mẫn Nhi im lặng. Và quả đúng như vậy. Một cái tát trời giáng rơi xuống má trái của Mẫn Nhi.
Sau đó là thanh âm của sự đổ vỡ. Bữa tối được bày trên khay ăn đã bị ông Quyền hất đổ. Ông ta rít lên.
- Cái nhà này có ai coi tôi là người không?
Tiếng khóc, tiếng la hét vọng từ trên lầu lại làm Huệ Lan vừa bước vào trong nhà đã khựng lại. Rồi nàng không cho mình lấy một giây suy nghĩ mà quay người chạy nhanh lên những bậc cầu thang.
- Chị Nhi!
Đẩy nhanh bà Năm và Kim Phát đang đứng ở cửa phòng, Huệ Lan bước vào. Màu máu đỏ tươi từ đôi cánh tay và khóe miệng của người chị gái thân thiết làm Huệ Lan không kịp suy nghĩ. Nàng quỳ sụp xuống nền nhà mà cuống quýt hỏi.
- Chị Nhi! Chị có sao không? Có chuyện gì vậy?
- Có chuyện gì hả?
Giọng nói ồm ồm phát ra từ trên đầu làm Huệ Lan phải sợ hãi ngẩng đầu. Ông Quyền đang đứng cạnh cửa sổ. Nhưng mắt thì đang trừng trừng nhìn Huệ Lan.
- Mày đang hỏi tao có chuyện gì mà đánh đứa ở này phải không? Để tao trả lời cho mày nghe nha cái đứa con hoang kia, à không con nuôi kia. Nó.. nó bước vào phòng tao mà vẫn chưa được sự đồng ý của tao.
- Không có cô Lan ơi! Tui gõ cửa rồi mà. Gõ đến 2 lần. Lần trước bà Út có dặn là nếu mà gõ 2 lần không ai lên tiếng thì cứ mở cửa vào vì lúc đó có thể ông Út đã bịt tai để ngủ, còn bà Út thì đi tắm.
Câu nói của Mẫn Nhi phải dừng lại giữa chừng vì tiếng gầm và sau đó là tiếng đổ vỡ. Đập đổ chán chê những lọ hoa, khung ảnh, ông Quyền còn điên tiết ném tới mặt Mẫn Nhi một hộp nhôm màu đen khá lớn. May là bản thân đã có sự chuẩn bị nên Huệ Lan đã xoay lưng để hứng đòn cho người chị gái thân thiết.
Nàng hướng ông Quyền mà nói bằng giọng van xin.
- Dượng bớt giận. Con biết dượng đang rất buồn vì sự ra đi của dì. Nhưng cái gì đúng thì đúng. Chị Nhi, chị ấy chỉ làm đúng những điều mà dì Út đã..
Tiếng "dặn" bị Huệ Lan nuốt xuống cổ họng vì cái quắc mắt của ai kia. Ông Quyền lần nữa gầm lên.
- Dì Út của mày sao? Bà ấy còn sống sao?
Rồi mặc cho bà Năm, Mẫn Nhi hay Kim Phát can ngăn. Ông Quyền đã lao tới mà đè cổ họng của Huệ Lan bóp chặt. Đôi bàn tay của gã đàn ông hơn 50 không khác gì đôi gọng kiềm siết lấy cần cổ bé xíu của Huệ Lan.
Bà Năm lao tới toan gỡ tay ông Quyền thì bị ông hất phăng sang một bên. Cả người bị đập vào cạnh bàn đau đớn nhưng bà Năm vẫn cố gào lên:
- Ông Út ơi, ông làm vậy sẽ gϊếŧ chết con bé đó. Cậu Phát ơi, cậu làm gì đi? Cô Lan, cô Lan sẽ chết mất!
Mẫn Nhi khi này mới hoàn hồn. Cô gái trẻ rối rít lao ra khỏi phòng.
- Để con đi gọi bà chủ!
Bên kia Kim Phát hình như cũng có chung suy nghĩ anh chàng đã học Mẫn Nhi lao ra khỏi cửa.
- Để tôi đi gọi cho!
Đúng rồi! Phải gọi mẹ nuôi! Một hy vọng sống lóe lên trong đầu làm Huệ Lan cảm thấy tỉnh táo được đôi chút. Nhưng không ngờ lúc đó nàng lại nghe thấy một tiếng hét thật lớn của ai đấy. Sao nữa vậy? Có chuyện gì vậy?
(Hết chương 7)