Hoàng tử ra đời, cả cấm thành vui mừng chưa được mấy ngày thì lại có chuyện đau đầu khác - hoàng tử không chịu uống sữa. Sung nghi Nguyễn Thị Hằng đã đổi vài nhũ mẫu mà tình hình vẫn không khả quan hơn khiến Thái hậu và vua Quang Thuận hết sức lo lắng, mỗi ngày đều đến cung Vĩnh Ninh.
“Hôm nay hoàng tử thế nào rồi, đã chịu ăn chưa?”
Nguyễn Sung nghi đang bế con trên giường, nghe vua Quang Thuận hỏi thì ứa nước mắt, nói không nên lời.
“Hoàng tử vẫn không chịu ăn, cứ đẩy nhũ mẫu ra, chúng ta phải vất vả lắm mới bón cho hoàng tử được lưng chén sữa.” – thái hậu nói.
Nguyễn phu nhân – mẹ Nguyễn Sung nghi bế hoàng tử từ tay con gái đưa đến trước mặt vua: “Muôn tâu bệ hạ, chỉ có lúc uống sữa là hoàng tử mới khó chịu, còn bình thường thì, trộm vía, hoàng tử rất ngoan, không hề quấy khóc ạ.”
Đúng như lời Nguyễn phu nhân nói, hoàng tử Tranh chớp mắt nhìn vua cha.
“Bệ hạ bế hoàng tử một lát đi ạ.” – Nguyễn phu nhân niềm nở nói.
“Trẫm đã bảo thái y viện chế thuốc cho hoàng tử rồi, uống thuốc xem có tốt hơn không?”
“Hoàng tử vừa mới sinh sao có thể uống thuốc.” – thái hậu lo lắng.
“Mẹ yên tâm, đây là thuốc điều chế riêng cho hoàng tử, do cả thái y viện cùng nghiên cứu, sẽ không nguy hiểm đâu.”
Thái hậu nghe xong mới giãn chân mày: “Hi vọng là thuốc sẽ có tác dụng. Đáng thương cho cháu ta, vừa mới ra đời đã phải chịu khổ rồi.”
Nguyễn Sung nghi thấy thế lại khóc thút thít: “Là tại thϊếp vô dụng, là mẹ mà không chăm sóc được cho con khiến thái hậu, bệ hạ phải nhọc lòng.”
“Đâu phải lỗi của nàng, nàng đừng tự trách.” – vua Quang Thuận bế hoàng tử đến ngồi bên giường an ủi Nguyễn Sung nghi.
Hoàng tử Tranh ra đời gần dịp tết trung thu nên ngoài chào đón hoàng tử thì cả hoàng cung đều đang bận rộn chuẩn bị cho rằm tháng tám, việc học của Quỳnh và các tú nữ cũng không ngoại lệ. Quỳnh đang học làm các loại bánh cho ngày rằm, những chiếc bánh đủ thể loại màu sắc nàng vẫn ăn hàng năm thì ra lại khó làm đến vậy, Quỳnh làm bánh mặt trăng mãi không xong trong khi các tú nữ khác đã làm được bánh hạt sen, bánh hoa hồng rồi.
“Sao thế kia? Người đứng đầu khảo hạch lễ nghi lại làm mãi không xong bánh dẻo à?” – Trần Huyền Linh nhìn Quỳnh mỉa mai, tuy nàng ta không muốn làm con tốt cho người khác nhưng bản thân nàng ta vốn cũng không thích Quỳnh.
“Ôi trời, bánh dẻo đã là dễ nhất rồi mà vẫn không làm được, thế này thì lần khảo hạch thứ ba rớt chắc rồi.” – tú nữ Đoàn Thị Châu bâng quơ cạnh khóe – “Ôi ta quên mất, người ta được bệ hạ quan tâm ưu ái thì làm sao mà rớt được.”
Liên lườm mấy kẻ gây sự kia cháy mặt nhưng quay về thì lại hậm hực: “Bệ hạ cũng đâu nói trước cho chúng ta đề khảo hạch.”
“Nhưng người ngoài nhìn vào thì lại là phải. Kệ họ đi, được quan tâm hơn nên gặp phải những chuyện thế này cũng đành chịu thôi.” – Quỳnh vừa làm bánh vừa thản nhiên đáp.
Liên tức thay cho chủ, Quỳnh sáng học lễ nghi chiều học nữ công tối về lại tự luyện tập lại những thứ đã học trong ngày, không luyện đến mệt nhoài mờ mắt đau tay thì không đi ngủ, Quỳnh chăm chỉ cố gắng như thế nhưng kết quả tự mình đạt được lại luôn bị rẻ rúng, phủ nhận. Liên vừa thương vừa xót Quỳnh, nhưng Quỳnh lại thản nhiên như không khiến Liên càng ức.
Từ hôm bắt đầu học làm bánh, mỗi ngày về cung Xuân Trường, Quỳnh đều luyện nấu ăn. Các tú nữ học chung ở chung gần một tháng, ai cũng đã biết Quỳnh sợ nhất là nấu ăn, “cầm kì thi họa” nàng chỉ được mỗi “họa” nên lần khảo hạch thứ hai Quỳnh rớt từ hạng một xuống hạng ba. Ấy vậy mà giờ Quỳnh lại ngày ngày học nấu nướng làm bánh khiến các tú nữ không khỏi tự hỏi liệu có phải mặt trời có phải mọc từ đằng tây hay không.
Dù Quỳnh rất nỗ lực nhưng mỗi người đều có thiên phú khác nhau, nữ trung hào kiệt như nàng quả thật là không hợp với việc bếp núc. Nàng có cố đến mấy thì món ăn cũng chỉ đạt tám phần, cho dù mùi vị có đúng thì khoản tạo hình trang trí Quỳnh cũng không thể nào làm đến độ hoàn hảo được.
Quỳnh ăn cơm xong lại tiếp tục tập làm món bánh hoa hồng, trong số các loại bánh các tú nữ được dạy thì bánh hoa hồng này là món khó làm nhất, chắc chắn sẽ lấy ra để đánh giá trong lần khảo hạch thứ ba. Mặc dù Quỳnh thực sự không thích tranh giành ganh đua nhưng hai lần trước kiểm tra cung quy phép tắc hay pha trà cắm hoa cầm kì thi họa thứ hạng của nàng đều cao, lần này tuy không thể tiếp tục được hạng nhất hạng ba nhưng cũng không thể thua quá khó coi được. Nàng mất mặt thì cũng đành nhưng phủ đô đốc, Kim Hoa nữ sĩ không thể vì nàng mà xấu mặt được.
Bánh đang hấp thì Thục sang tìm Quỳnh, thấy Quỳnh đang nấu ăn thì mặt Thục tiu nghỉu hẳn.
“Nàng đang bận à, thế ta về đây.” – Thục đánh bài chuồn.
“Ấy ấy, từ từ, thử đồ ăn cho ta đã.” – Quỳnh nhanh tay nhanh chân ra cửa kéo Thục vào.
Từ lúc học nấu ăn Thục ngày nào cũng phải thử đồ ăn Quỳnh làm, có mấy món thử đi thử lại mãi Thục đã ngán đến tận cổ rồi, dù có thích Quỳnh đến mấy Thục cũng không muốn ăn nữa.
“Nể tình chúng ta thân thiết, nàng tha cho ta đi mà.” – Thục mè nheo van này.
“Vì chúng ta thân thiết nên mới có mỗi nàng chịu thử đồ ăn ta làm. Nàng giúp ta đi, lần này đảm bảo ngon hơn lần trước.” – Quỳnh giơ đĩa bánh lên, chớp chớp mắt nhìn Thục.
“Ta ăn nhiều quá đến mức ngán rồi, giờ có ngon hay không cũng không cảm nhận được đâu.” – Thục chớp đôi mắt to tròn, bày ra khuôn mặt đáng thương.
“Nếu nàng chịu thử, lát nữa ta sẽ cho nàng cốm nhà ta mới gửi vào.” – Quỳnh.
Mắt Thục sáng lên nhưng rồi nàng lại kiềm chế: “Mùa này đâu thiếu cốm, ta mới ăn hôm trước rồi.”
“Thế bánh đậu xanh thì sao? Bánh đậu xanh Hải Dương đấy.” – Quỳnh dụ dỗ.
Thục đau khổ nhăn mặt suy nghĩ, cuối cùng vẫn cầm đũa lên thử món bánh hoa hồng Quỳnh làm.
Để chuẩn bị cho tết trung thu hoàng cung đã trang trí rất nhiều đèn l*иg, hậu cung không hẹn mà gặp mỗi cung mỗi viện cũng đều tự làm các loại đèn đủ hình dáng màu sắc khác nhau.
Nguyễn Sung nghi có một chiếc đèn khổng tước lớn vô cùng rực rỡ bắt mắt, tuy nhiên có vẻ không phải do nàng tự làm. Nguyễn Tu dung thì làm một chiếc đèn con cua, là loại hoành tráng kì công tốn sức nhất. Phùng Tu viên làm đèn kéo quân, nàng cùng các cung nữ tự tay vẽ hình, cắt giấy, l*иg khung, dán hồ. Hà Tuyên vinh làm một chiếc đèn hình cá chép, tuy không hoành tràng nhưng cũng tỉ mỉ kì công. Nguyễn Hương Tuyết làm một chiếc đèn hình trăng lưỡi liềm, dùng những bông hoa viền quanh tạo thành mặt trăng tròn trịa.
Các tú nữ cũng háo hức rủ nhau làm đèn trang trí trong phòng, chỉ có Quỳnh là không mấy hứng thú, nàng quen ăn to nói lớn như tướng sĩ, những việc cẩn sự tỉ mỉ khéo léo này nếu không bắt buộc thì Quỳnh quyết không làm. Quỳnh không hứng thú nhưng Liên rất hứng khởi, lại thêm cả Thục và Yến nữa dù Quỳnh đã chối đây đẩy nhưng vẫn nhất quyết bắt nàng phải làm cùng, Quỳnh khóc không thành tiếng. Ban đầu Quỳnh bảo mình không làm được Yến và Thục còn không tin, vẫn cố chấp muốn Quỳnh làm thử. Sau khi chứng kiến Quỳnh vật lộn cắt cắt dán dán nửa canh giờ, cuối cùng các nàng cũng tin rồi, đành để Quỳnh ở bên cạnh phụ giúp, không dám để Quỳnh động tay vào nữa.
Quỳnh lúc thì giúp Yến và Thục vẽ hình, lúc lại sang giúp Liên, Hiền, Oanh giữ khung l*иg giấy. Qua mấy ngày Yến và Thục làm xong đèn hoa sen, Liên, Hiền, Oanh ba người làm đèn hình bươm bướm. Làm xong cái phức tạp thì mọi người cùng làm những chiếc đèn nhỏ tròn đơn giản, không cần phải mất công tạo hình, cắt giấy tỉ mỉ, có thể dùng trang trí, cầm đi chơi mà cốt là không quá phức tạp để Quỳnh có thể làm được. Bên ngoài Quỳnh nói không thích, chê phiền phức nhưng đến khi tự làm được một chiếc đèn l*иg tròn hoàn chỉnh nàng lại vô cùng thích thú, tự hào, cứ cầm lên nhìn ngắm mãi không thôi, còn tự khen mình giỏi. Tuy là không đẹp như người khác làm nhưng phòng nàng cũng coi như có đèn trang trí rồi.
Trước trung thu, Vũ Thị Thục nhận được thư nhà.
Thấy nàng vừa cau mày rầu rĩ, Hiền mới hỏi: “Ở nhà có chuyện gì sao ạ?”
Thục thở dài: “Cha ta lại bị người khác gây khó dễ, Hộ bộ không chịu giao tiền cho Công bộ xây dựng cầu cống đường xá, cấp trên của cha ta đáng nhẽ phải chịu trách nhiệm việc này thì lại thoái thác giao cho cha làm. Thượng thư Công bộ ra mặt đòi tiền, Hộ bộ còn chưa chắc đã nể mặt thì một vị quan nho nhỏ ở Công bộ như cha ta có thể đòi được sao? Địa vị của Công bộ trong bốn bộ Binh, Hộ, Hình, Công vốn đã thấp, lại thêm địa vị thấp cổ bé họng của cha ta nữa. Hộ bộ không đưa tiền thì không thể xây sửa, đến lúc đó không hoàn thành kế hoạch thì lại trách xuống cha ta đầu tiên…”
Thục rơm rớm nước mắt: “Cứ thế này thì nhà ta nguy mất.”
Hiền chẳng nghĩ mà nói luôn: “Hay là cô bảo ông từ chức về quê đi, không làm cái chức quan trời ơi đất hỡi này nữa.”
“Đâu có dễ như thế, giờ cha ta mà từ chức thì lấy đâu ra người chịu tội thay bọn họ.” – Thục cay đắng nói.
Trong vòng xoáy quyền lực luôn có một con cừu chịu oan, người thấp cổ bé họng nhất luôn là người bị hiến tế cho những kẻ nắm thực quyền. Vị quan giữ chức trước cha Thục cũng vậy, không hoàn thành công việc nên bị cách chức đuổi về quê, giờ đến cha nàng kết cục cũng chẳng tươi sáng hơn là bao.
Lúc cha Thục nhận được chiếu chỉ chuyển từ Vĩnh Phú đến Đông Kinh làm việc đã tỏ ra chẳng vui thích gì, Thục khi đó không hiểu, được thăng chức, làm việc ở kinh đô không tốt sao? Sao cha lại không vui? Đến khi nàng tới kinh thành, chứng kiến cha mất ăn mất ngủ, ngày ngày lo lắng vì công việc nàng mới hiểu thăng quan tiến chức cũng chẳng béo bở gì. Việc gì khó việc gì khổ nhất đều do cha nàng đảm nhận nhưng nếu làm tốt, được khen thưởng thì lại chẳng bao giờ có phần. Quan trên ăn bớt tiền triều đình chi cho kiến thiết công cộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng người trực tiếp đi xem xét thành trì, đường sá, cầu cống, đê điều trọng yếu là cha nàng, bị dân chửi dân mắng dân đánh cũng là cha nàng. Tiền không đủ, tiến độ vẫn phải hoàn thành, ngoài việc cắt giảm và thay đổi nguyên vật liệu sang loại rẻ hơn thì chẳng còn cách nào khác, gốc rễ vấn đề không phải do cha Thục nhưng nếu có chuyện xảy ra thì cha nàng là người trực tiếp phụ trách thi công sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên và có khi còn là nghiêm trọng nhất nữa. Vừa phải làm hài lòng người trên kẻ dưới, vừa lo lắng bị triều đình điều tra định tội nên nhậm chức chưa được một năm mà cha Thục đã như già đi cả chục tuổi, nàng cứ nghĩ đến là không khỏi xót xa.
“Thục ơi! Nàng có ở nhà không?” – tiếng Quỳnh từ sân vọng vào.
Vũ Thị Thục chẳng kịp lau nước mắt liền đứng lên đi ra cửa đón Quỳnh: “Ta đây. Nàng vào đi.”
“Mẹ ta gửi hồng khô, ta mang…” - Thấy đôi mắt to tròn của Thục đỏ hồng, Quỳnh đang tươi cười trở nên lo lắng: “Nàng khóc ư? Có chuyện gì thế? Kể ta nghe. Có ai bắt nạt nàng ư?”
Thục lắc đầu: “Không có. Chỉ là…”
“Là sao?” – Quỳnh sốt ruột.
“Chuyện nhà ấy mà.” – Thục nói rồi lại xúc động sụt sùi.
“Được rồi được rồi, ngồi xuống từ từ kể ta nghe làm sao nào.” – nói rồi Quỳnh dắt tay Thục về bàn ngồi xuống, lấy khăn tay lau nước mắt cho nàng.