Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 40

Chương 41: Tầm nhìn của hai viên tướng
Một trăm ngàn đại quân hạ đại doanh trên gò đất bằng phẳng, hạ đại quân cần cẩn trọng tỉ mỉ là bởi vì hạ trại hành quân không có lập hàng rào doanh, mà là lấy xe bố ở xung quanh, trước xe đào rãnh nông chôn sừng hươu, mỗi khoảng cách năm mươi bước lại dựng lên một tháp canh gác cao cao, sau xe vây cắm mã mâu dày đặc phòng ngừa kỵ binh quân địch đột phá doanh. Ở giữa là binh trướng, có khác doanh trướng là để súc vật và đồ vật.

Mấy ngàn đỉnh lều lớn dựa theo lục quân phân biệt đóng quân, lấy sáu can đại kỳ là Toan Nghê Kỳ, Tỳ Hưu kỳ, Kỳ Lân kỳ, Tồn Hổ kỳ, Đằng Báo kỳ, Dương Ưng kỳ để phân chia. Ở giữa là Thanh Long soái kỳ nền trắng viền đen, một chữ “Dương” rất to trên thư đấu, còn có một cây quân kỳ Đại Tùy màu đỏ, tung bay trong gió.

Mấy ngàn doanh trướng chỉnh tề có thứ tự, đường người đường ngựa phân chia rõ ràng. Các doanh có thiên tướng dẫn quân tuần tra, hai buổi luân phiên, mỗi một lần đều cẩn thận tỉ mỉ.

Đây là nguyên do mà xuất ra nhiều tướng tài dưới soái trướng. Dương Tố trị quân cực nghiêm, thưởng thì trọng thưởng, phạt thì gϊếŧ người. Mỗi một quân lệnh nghiêm khắc ông nói ra đều vô thức mà ảnh hướng đến các tướng lĩnh dưới trướng.

Dương Nguyên Khánh đi theo một đội thám báo trở về đại doanh, hắn không đem ưng mang về. Mặc dù tất cả mọi người đều không hé răng nhưng hắn đã ý thức được mình làm trái kỷ luật quân đội bắn ưng, lại càng không dám đem một con ưng nào vào doanh đi rêu rao.

Hắn vặt mấy chục chiếc lông ưng đưa cho mỗi người một cái, tỏ vẻ áy náy. Còn hắn thì đem một chiếc lông chim cắm trên mũ giáp, lông chim ưng tung bay theo gió khiến cho hắn mũ lăng ưng của hắn càng tăng thêm vài phân linh khí, dù sao hắn vẫn còn một chút tính cách thiếu niên.

Dương Nguyên Khánh đi theo thám báo tuần tra chỉ tạm thời để giải sầu chứ không phải được bổ nhiệm thật sự. Hắn không dám tự tiện ở lại trong đoàn thám báo mà đi thẳng về đại trướng chủ soái.

Trong đại trướng, chủ soái Dương Tố đang nói chuyện cùng vài tên đại tướng. Một người ước chừng hơn ba mươi tuổi, dáng người khôi ngô cao lớn, mặc áo giáp, trán rộng mắt hổ vô cùng uy phong lẫm lẫm. Y tên là Dương Nghĩa Thần, vốn họ Uất Trì, phụ thân Uất Trì Sùng là bộ hạ cũ của Tùy Đế Dương Kiên. Năm Khai Hoàng giai đoạn đầu chiến đấu kịch liệt với Đột Quyết mà chết. Uất Trì Nghĩa Thần liền được Dương Kiên thu dưỡng ở trong cung, ban thưởng họ Dương, cũng biên tịch theo hoàng tôn.

Dương Nghĩa Thần là bộ hạ cũ của Dương Tố, y lập chí kế thừa phụ nghiệp chống lại Đột Quyết. Lần này theo Dương Tố xuất chinh được bổ nhiệm làm tướng quân thứ hai.

Ngồi bên cạnh Dương Nghĩa Thần là một gã quan quân văn chức khoảng chừng ba mươi tuổi, làn da trắng nõn, mặt gầy dài, ánh mắt nhạy bén có vẻ vô cùng khôn khéo. Người này tên là Lý Tĩnh, năm nay hai mươi chín tuổi, ở trong cung đảm nhiệm chức Trực Trưởng, chức quan tuy rằng hèn mọn nhưng tài cán lại nổi danh trong Công Khanh triều Tùy. Hơn nữa nhận được sự khen ngợi của Dương Tố, lần này Bắc chinh, Dương Tố đặc biệt đưa y tới trong quân đảm nhiệm quân lệnh lang.

Còn có một viên đại tướng, người cao chừng mét chín, năm nay gần bốn mươi tuổi, vai rộng lớn dị thường, hai cánh tay rất dài như có ngàn lực. Điều khiến người khác ngạc nhiên là đồng tử của y khác hẳn với người thường, không giống với mắt người mà là có hai cặp con ngươi, lạnh lùng giống hệt mắt con báo. Đó chắc là danh tướng quân Tùy Ngư Câu La. Ngư Câu La là tướng cũ của Dương Tố, người đã đi theo Dương Tố có công dẹp loạn tướng Thẩm Huyền, Cao Trí Tuệ còn sót lại của Triều Trần, được phong làm Cao Đường huyện công kiêm tổng quản Điệp Châu. Bởi vì mẫu thân bệnh chết, Ngư Câu La từ quan hồi hương giữ đạo hiếu, vừa lúc gặp được Dương Tố bắc chinh.

Dưới sự khuyên bảo liên tục của Dương Tố cùng với Dương Nghĩa Thần, Lý Tĩnh. Ngư Câu La liền đồng ý lấy quốc sự làm trọng, đi theo Dương Tố bắc chinh. Điều này làm cho Dương Tố vô cùng vui mừng, phái người tấu với Hoàng Đế Dương Kiên, đồng thời bổ nhiệm Ngư Câu La làm Á Tướng quân thứ nhất. Chủ tướng quân thứ nhất là Chu La Hầu, bởi y dẫn kỵ binh làm quân tiên phong cho nên trên thực tế tướng quân thứ nhất chính là do Ngư Câu La thống soái.

Dương Tố cùng mấy tên văn võ tướng nhớ lại chuyện cũ nói chuyện vô cùng vui vẻ, đúng lúc này bên ngoài có tiếng thân binh vọng vào:

- Tiểu tướng quân đã về rồi.

Dương Nghĩa Thần và Lý Tĩnh đều biết tiểu tướng quân chính là Dương Nguyên Khánh, hai người mỉm cười không nói gì. Ngư Câu La lại không biết, y thấy bên ngoài trướng vải tiến vào một gã tiểu tướng thiếu niên tư thế oai hùng bừng bừng, trên người mặc áo giáp màu đen sáng bóng, đầu đội mũ lăng ưng, trên mũ giáp còn cắm một chiếc lông chim ưng, hơn nữa bên hông không ngờ còn đeo Kỳ lân kiếm của Hoàng đế, điều này làm cho Ngư Câu La vô cùng kinh ngạc, trong lòng thầm nghĩ: Thiếu niên này là ai, sao lại có Kỳ lân kiếm của Thánh Thượng?

Dương Nguyên Khánh tiến lên quì một gối xuống chào ông nội:

- Nguyên Khánh khấu kiến đại soái!

Dương Tố khẽ mỉm cười, hỏi hắn:

- Đi theo thám báo doanh có thu hoạch gì không?

- Thu hoạch rất nhiều nhưng một ngày không đủ. Nguyên Khánh nguyện làm quân thám báo chính thức, xin đại soái ân chuẩn!

Dương Tố không trả lời hắn ngay, chỉ cười giới thiệu với Ngư Câu La:

- Đây là cháu nội của ta Nguyên Khánh, được Thánh Thượng đặc biệt chuẩn theo quân Bắc chinh. Ngư tướng quân cảm thấy y thế nào?

Ngư Câu La lúc này mới giật mình, hóa ra là cháu của Dương Tố. Tuy mới mười tuổi mà đã lớn như vậy, khỏe mạnh như vậy hẳn là người luyện võ. Y cười gật gật đầu:

- Không hổ là cháu nội của đại soái, phong thái oai hùng bừng bừng. Thiếu niên xuất chinh cũng là anh hùng. Không biết tôn sư là người nào?

Dương Tố cười nói với Nguyên Khánh:

- Vị này là tướng quân Ngư Câu La, mãnh tướng trong quân Đại Tùy ta. Tự cháu trả lời Ngư tướng quân đi!

Dương Nguyên Khánh nghe nói đó là Ngư Câu La tiếng tăm lừng lẫy. Trong Tùy Đường diễn nghĩa là một trong chín lão Khai Tùy, sư phụ của Vũ Văn Thành Đô, một đao chém Lý Nguyên Phách rơi xuống ngựa nhưng lại chết dưới tên của Lý Thế Dân. Nhưng đây là diễn nghĩa, trên lịch sử y là mãnh tướng triều Tùy, đao pháp tuyệt luân và cùng với sư phụ Trương Tu Đà của hắn xưng là Đại Tùy Nam Bắc song đao.

Lập tức trong lòng Dương Nguyên Khánh nảy sinh sự ngưỡng mộ, ôm quyền thi lễ nói:

- Nhân dũng Giáo úy Dương Nguyên Khánh tham kiến Ngư tướng quân. Trả lời câu hỏi của Ngư tướng quân, sư phụ của ta là Trương Tu Đà.

Ngư Câu La lập tức mỉm cười:

- Hóa ra là đệ tử của Nam đao Trương tướng quân. Không biết đã học được mấy thức trong mười ba thức đao pháp của Trương tướng quân?

Dương Nguyên Khánh vội vàng cung kính nói:

- Hồi bẩm Ngư tướng quân, sư phụ đã truyền mười ba thức đao pháp cho ta, nhưng Nguyên Khánh ngu dốt, đến nay mới chỉ học được bảy thức.

Ánh mắt Ngư Câu La lộ vẻ kinh ngạc, khen với Dương Tố:

- Đại soái, lệnh tôn thật kỳ tài! Tuổi còn nhỏ mà không ngờ đã học được bảy thức đao pháp của Trương Tu Đà. Không đơn giản, thật sự không đơn giản!

Kỳ thật Dương Tố giới thiệu Nguyên Khánh với Ngư Câu La là có dụng ý khác. Bởi vì Nguyên Khánh đã theo Trương Tu Đà học nghệ từ nhỏ. Hai năm trước Trương Tu Đà đã xuất chinh Nam Di, không thể không gián đoạn đối với việc truyền thụ cho Nguyên Khánh. Cho nên Dương Tố vẫn muốn tìm kiếm danh sư cho Nguyên Khánh, để hắn có thể đột phá Trệ Cố Kỳ. Ông ta vốn định để Lý Tĩnh dạy cháu mình nhưng binh pháp Lý Tĩnh cũng khá, võ nghệ lại thiên về nhu không thích hợp với võ nghệ cương mãnh bá đạo của Trương Tu Đà. Hôm nay ông ta gặp được Ngư Câu La liền lập tức nghĩ đến để Ngư Câu La dạy Nguyên Khánh. Nhưng ông ta cũng biết, cái này cũng cần duyên phận, không thể cưỡng cầu.

Dương Tố vuốt râu khẽ cười nói:

- Ta hoài nghi Nguyên Khánh có thật sự luyện được bảy thức hay không? Không bằng Ngư tướng quân thử nó một lần xem sao.

Ngư Câu La vô cùng sảng khoái, hơn nữa y vẫn muốn thấy đao pháp của Trương Tu Đà, liền cười ha hả:

- Tiểu tướng quân, nguyện ý chỉ giáo không?

Dương Nguyên Khánh vui vẻ đồng ý, đứng dậy chắp tay nói:

- Xin Ngư tướng quân chỉ điểm!

***

Tin tức mãnh tướng Ngư Câu La và Dương Nguyên Khánh luận võ lập tức chấn động Thân Binh Doanh của Dương Tố. Mấy trăm thân binh đều chạy tới doanh trướng để xem luận võ, vây quanh bên ngoài bãi đất trống trước doanh trướng. Thắng bại không quan trọng, quan trọng là Dương Nguyên Khánh có thể chịu được mấy chiêu? Có những binh lính lặng lẽ đánh cuộc tiền cho Ngư Câu La chắc chắn sẽ là ba chiêu. Vậy kết quả cuối cùng sẽ là mấy chiêu?

Dương Nguyên Khánh xoay người lên ngựa, cung tiễn phía sau lưng, tay cầm Nhạn Linh cương đao. Mặc dù là tỷ thí nhưng bọn họ vẫn sử dụng đao thật tiễn thật. Nguyên Khánh trên ngựa hư ảo bổ ra một đao, ánh mắt bình tĩnh nhìn nhất cử nhất động của Ngư Câu La.

Ngư Câu La cưỡi một con chiến mã eo màu xanh đen, là sản phẩm của vùng Thanh Hải Hồ, được gọi là Long Câu. Con ngựa này của y chính là Long Câu có được từ trên đảo trong Thanh Hải Hồ, thần tuấn dị thường. Tay y cầm một cây kim đao sống đao bằng nanh hổ, trường đao dài một trượng bốn thước, nặng tám mươi cân. Ngư Câu La sớm qua Phá Công Kỳ, võ nghệ cao cường. Dù trên Nguyên Khánh không chỉ một cấp bậc nhưng vẻ mặt y vẫn tỏ ra nghiêm trọng không có chút khinh thường nào. Đây chính là sự tâm đắc mà Ngư Câu La luyện thành tại trăm trận, đó là người khinh địch tất sẽ bại.

- Tiểu tướng quân, chuẩn bị tiếp đao!

Y quát lên một tiếng chói tai, giống hệt sét đánh trên bầu trời, âm thanh vọng vang trăm trượng khiến cho mấy trăm thân binh đều mặt biến sắc. Vũ Văn Hóa Cập đang xem cuộc chiến, gã hơi lo lắng nói với Dương Tố:

- Đại soái, hay là đổi đao đi để khỏi xảy ra điều gì không ngờ tới cho lệnh tôn?

Dương Tố lắc đầu, thản nhiên cười:

- Sinh tử do trời định, chúng ta quan tâm làm gì!

Ánh mắt ông ta thoáng nhìn dừng lại trên người Vũ Văn Thành Đô đứng sau Vũ Văn Hóa Cập, khẽ cười nói:

- Vũ Văn đại thái bảo, ngươi cho rằng Nguyên Khánh có thể đỡ được mấy hiệp?

Vũ Văn Thành Đô vội vàng khom người nói:

- Tiểu nhân kiến thức nông cạn, thật sự nhìn không ra căn nguyên thiếu tướng quân, nhưng ta nghĩ ít nhất có thể là bảy hiệp?

Dương Tố hiểu được ý tứ của y, ý của Đại Thái Bảo là chỉ Nguyên Khánh học được bảy thức đao pháp của Trương Tu Đà cho nên sẽ có bảy hiệp, nhưng ông ta không cho là vậy.

- Thật sao? Nếu có thể địch được bảy hiệp, vậy Nguyên Khánh có thể làm đại tướng rồi. Đáng tiếc ngươi không hiểu Ngư Câu La, đao hạ của y chưa từng dùng quá ba hiệp, ta cảm thấy chắc chỉ có một hiệp thôi.

Lúc này, quân sĩ bốn phía bỗng nhiên hô lên rất to, hóa ra Nguyên Khánh giương cung bắn tên, mũi tên nhanh như chớp bắn thẳng đến chân sau của chiến mã. Vũ Văn Thành Đô thét lên một tiếng kinh hãi:

- Quả nhiên lợi hại!

Ngư Câu La cũng âm thầm kinh hãi. Con bảo mã này năm xưa trong trận chiến với người Thổ Dục Hồn đã từng bị tên bắn vào chân sau, tuy sau này có thể chữa trị khỏi nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng một chút. Không ngờ ánh mắt của Nguyên Khánh lại sắc bén có thể nhận ra được nhược điểm của chiến mã này.

Nhưng sự thông minh của Nguyên Khánh không phải là bắn ngựa mà chỉ là muốn thử thăm dò tốc độ của Ngư Câu La. Hắn biết Ngư Câu La tất sẽ chắn mũi tên này thay cho chiến mã.

Lực của mũi tên này mạnh mẽ, trong nháy mắt đã tới chân sau của chiến mã, chiến mã lập tức e ngại liên tiếp lui hai bước, hí lên một tiếng dữ dội, móng trước vung cao lên. Ai cũng không ngờ chiến mã của Ngư Câu La lại kinh hoảng như thế, mọi người tại đây đều ngẩn cả ra. Ngư Câu La lại không chút hoang mang, một tay một đao nghiêng bổ xuống, đao thế không nhanh vừa kịp ngăn cản mũi tên. Chỉ nghe “cạch” một tiếng giòn vang, mũi tên bắn vào mặt đao bắn bay ra ngoài một trượng.

Một mũi tên này đã cho Dương Nguyên Khánh thấy được tốc độ của Ngư Câu La, đao pháp của y không những mau mà còn đạt tới một trình độ làm theo ý mình. Một loại tốc độ mà nằm trong tay y, y biết cần dùng tốc độ gì để ngăn cản mũi tên này. Điều này gọi là “phản phác quy chân” (1) của đao pháp, đã đạt tới trình độ thu phát từ tâm khiến cho Dương Nguyên Khánh thầm than trong lòng, đao pháp của hắn so với Ngư Câu La còn kém nhiều hơn một bậc.

1. Phản phác quy chân: ý nói khi đạt đến cảnh giới tối cao thì sẽ quay trở về với những gì nguyên sơ nhất

Nhưng Ngư Câu La cũng thầm kinh hãi như thế. Một mũi tên này của Dương Nguyên Khánh khiến tay phải của y run lên, ít nhất lực phải là một trăm hai mươi cân, đối phương dùng là cường cung nhất thạch, tại sáu mươi bước vẫn duy trì được lực nhất thạch. Chứng minh khi mũi tên mà hắn bắn ra ít nhất cũng là lực một trăm năm mươi cân mà đối phương chỉ là một thiếu niên.

Không chỉ có Ngư Câu La trong lòng thất kinh, ngay cả sự khinh thị của Vũ Văn Thành Đô đối với Nguyên Khánh cũng đã biến mất tăm không còn bóng dáng. Hiện tại Nguyên Khánh đã có sức mạnh như thế rồi, nếu hắn mười tám tuổi thì chỉ sợ mình không phải đối thủ của hắn.

Hai người cũng phát ra một tiếng hô to, hai ngựa lao nhanh tới, chỉ thấy ánh đao chợt lóe, không ai thấy đã xảy ra cái gì, hai ngựa lại lần lượt đan xen đổi qua.

Dương Nghĩa Thần vuốt râu cười khẽ, y quay đầu lại hỏi Lý Tĩnh:

- Dược sư cho rằng trận đấu này ai chiếm thượng phong?

Lý Tĩnh lắc đầu cười khổ nói:

- Đao pháp này của Nguyên Khánh rất quái dị, nhìn thì chậm nhưng kỳ thật lại rất nhanh. Nếu hắn thêm năm tuổi nữa thì Ngư tướng quân sẽ bị hắn đánh ngã xuống ngựa. Tuy nhiên Ngư tướng quân không hổ là kinh nghiệm phong phú, y lấy hiểm tìm thắng, tuy rằng suýt chút nữa thì bị Nguyên Khánh chém trúng nhưng y đã thành công. Ta đoán chừng Dương Nguyên Khánh sẽ không so tiếp được nữa bởi vì sơ hở của hắn đã bị Ngư tướng quân bắt được. Nếu là đánh thật, đầu hắn lúc này đã bị đánh bay rồi. Về sau toàn là đao lưu tình, không có ý nghĩa nữa.

- Ngươi nói không sai, Ngư Câu La quả nhiên là gừng già, quá lợi hại!

Chỉ thấy Nguyên Khánh ném đao xuống, cao giọng nói:

- Không cần so nữa, ta nhận thua!

Quyển 2: Bách Chiến Hoàng Sa Xuyên Kim Giáp