Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 10

Chương 10: Sư phụ là ai?
Cao Quýnh cáo từ ra về với cảm giác cảm thán và tiếc nuối. Dương Tố tiễn ông ta ra khỏi phủ, rồi lại quay lại thư phòng. Trong thư phòng chỉ có hai người Phong Đức Di và Nguyên Khánh. Dương Tố lập tức hỏi Phong Đức Di:

- Tiên sinh vừa rồi vì sao không cho ta đáp ứng Cao tướng quốc?

Nguyên Khánh ngồi ở chiếc ghế hổ ở bên cạnh. Cậu bé cũng muốn biết vì sao Phong Đức Di không cho Dương Tố đáp ứng việc mình vái anh của Cao Quýnh làm thầy? Cậu bé đương nhiên biết rằng không phải vì lý do mình muốn học võ mà chắc chắn là có lý do gì khác.

Phong Đức Di âm âm cười, hỏi lại Dương Tố:

- Ngài nghĩ Thánh Thượng lên trăm tuổi, Thái Tử đăng cơ, sẽ dùng ai làm Tả thừa tướng?

Dương Tố ngẫm nghĩ một chút nói:

- Khi đó Cao Quýnh là quốc trượng. Đương nhiên ông ta sẽ là Tả thừa tướng

Dương Tố bỗng nhiên hiểu ra ý của Phong Đức Di. Dương Dũng lên ngôi, tất nhiên sẽ tiếp tục trọng dụng Cao Quýnh. Như thế thì Dương Tố liền vĩnh viễn không có ngày ngẩng đầu lên. Nhưng…. điều này thì có liên quan gì đến Nguyên Khánh cơ chứ?

Phong Đức Di thản nhiên cười:

- Nguyên Khánh là hòn ngọc quý của nhà họ Dương, là hy vọng của Dương công. Làm sao lại để cho nó là học trò nhà họ Cao cơ chứ?

Nguyên Khánh cũng không thể không khâm phục được sự biết suy xét của Phong Đức Di. Anh ta đã nhìn ra được thế cạnh tranh giữa Dương Tố và Cao Quýnh.

Lúc này, Nguyên Khánh bỗng nhiên cũng hiểu ra. Trong lịch sử Dương Tố sở dĩ tận hết sức lực ủng hộ Tấn vương Dương Quảng có một nguyên nhân trong đó chính là vì ông ta muốn thay thế Cao Quýnh. Mà Cao Quýnh lại đã kết thông gia với Thái Tử Dương Dũng. Với Dương Dũng thì Dương Tố không còn cơ hội đầu tư thêm nữa. Vì thế nên mới ngược lại chuyển sang ủng hộ Dương Quảng.

Chỉ sợ căn nguyên suy nghĩ này của Dương Tố chính là bắt nguồn từ câu nói này của Phong Đức Di.

Đây là tính ngẫu nhiên và tính tất yếu của lịch sử. Không có Dương Tố ủng hộ, Dương Quảng căn bản là không có khả năng đăng cơ. Mà Dương Quảng không đăng cơ, cuối cùng cũng sẽ không xuất hiện Lý Đường.

Dương Tố chậm rãi gật đầu:

- Tiên sinh nói không sai. Qủa thật không thể để cho Nguyên Khánh là học trò nhà họ Cao được. Ta thiếu chút nữa là thiếu tính toán. May mà có tiên sinh nhắc nhở.

Ông ta lại liếc sang Nguyên Khánh một cái, vuốt ve cái đầu nhỏ của hắn:

- Xem ra ông nội phải tìm thầy khác cho cháu rồi.

Phong Đức Di nhìn thấy sự coi trọng của Dương Tố đối với Nguyên Khánh, trong lòng âm thầm suy nghĩ: “Phải đầu tư một phen với đứa nhỏ này.”

Phong Đức Di liền vừa cười đề nghị:

- Tướng quốc, ta có quen một người. Tuy chỉ là một quan quân cấp thấp nhưng võ nghệ siêu quần, gan dạ sáng suốt hơn người. Ta đề cử người này làm thầy của Nguyên Khánh.

Dương Tố ngẫm nghĩ một chút. Ông ta vốn định để Nguyên Khánh và con cháu nhà họ Dương cùng nhau luyện võ. Nhưng ông ta cũng biết rằng những người gọi là võ sư này không có bản lĩnh thật sự gì cả, sẽ bỏ lỡ Nguyên Khánh. Còn cha của Nguyên Khánh là Huyền Cảm võ nghệ vô cùng tốt. Đáng tiếc là ông ta không có thời gian dạy con. Dương Tố liền đồng ý luôn.

- Xuất thân có thể không cần so đo. Tuy nhiên tiên sinh cứ đưa anh ta đến gặp ta đã.

Nguyên Khánh trong lòng cũng tràn đầy hứng thú, là anh hùng cuối đời nhà Tùy nào đây? Hắn vội vàng hỏi Phong Đức Di:

- Không biết tiên sinh nói chính là ai?

Phong Đức Di ha hả cười nói:

- Có nói thì ngươi cũng không biết, cam đoan là sẽ không làm ngươi thất vọng đâu.

Ông ta lại nháy mắt với Dương Tố. Dương Tố vỗ vào đầu Nguyên Khánh.

- Cháu đi trước đi, sư phụ đến đây thì ông nội sẽ cho tìm cháu.

Đợi Nguyên Khánh rời khỏi thư phòng, Phong Đức Di liền cười nói:

- Tướng quốc, bỉ chức còn có một đề nghị.

Lúc này, Dương Tố rất tín nhiệm Phong Đức Di, liền gật gật đầu nói:

- Tiên sinh nói đi!

- Tướng quốc, Mạnh Tử Vân sống trong gian nan khổ cực, chết nơi yên vui. Nguyên Khánh sở dĩ có thể siêu việt hơn những đứa tre khác thì phần lớn là vì hắn sinh ta trong gian nan khổ cực. Cho nên bỉ chức đề nghị tướng quốc không cần thay đổi cuộc sống của nó. Không thể hậu đãi nó, càng đừng để cho người nhà biết Tướng Quốc xem trọng nó.Cứ để cho nó trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn. Tướng quốc thấy đề nghị của bỉ chức thế nào?

Dương Tố là một người có trí tuệ. Phong Đức Di nói quả là không sai. Bản thân mình chỉ muốn tìm danh sư cho Nguyên Khánh là được rồi. Thực sự là không để để cho nó sa đọa trong cao sang phú quý được. Bản thân ông ta đã dạy con cháu quá nhiều. Ông ta vui vẻ gật đầu đáp ứng:

- Làm như lời tiên sinh nói đi.

Nhưng Dương Tố nằm mơ cũng không thể tưởng được Phong Đức Di kỳ thật là có tư tâm. Hiện tại chỉ có một mình Phong Đức Di một người biết Dương Tố coi trọng Nguyên Khánh. Cái cơ hội đầu cơ kiếm lợi này ông ta phải để lại cho chính mình chứ tuyệt đối không muốn để những người khác của nhà họ Dương biết.

Phong Đức Di tư tâm khiến cho cuộc sống của Nguyên Khánh không có bất cứ cải thiện nào, vẫn lớn lên trong nghèo khó và kỳ thị tộc người. Có điều cũng là như thế khiến cho Nguyên Khánh không bị mất đi người mẹ nuôi dưỡng Thẩm Thu Nương. Sự gặp gỡ trong cuộc đời khó mà nói được là được hay là mất.

.....

Ngay sáng sớm hôm sau, quản gia liền tìm được Nguyên Khánh, bảo là vì Thái lão gia muốn nó sang. Thẩm Thu Nương biết, đây là muốn để Nguyên Khánh bái thầy. Cô thay cho Nguyên Khánh một bộ quần áo mới, chỉnh sửa quần áo cho hắn, vừa dặn dò:

- Phải lễ phép với thầy, không được để thím mất mặt đó. Đã nhớ chưa?

- Cháu nhớ rồi!

Nguyên Khánh lại có chút lo lắng hỏi:

- Ông nội sẽ để cháu rời xa Thím, đi ở cùng sư phụ sao?

Thẩm Thu Nương cười an ủi hắn.

- Chắc là không đâu. Hôm qua chẳng phải cháu đã nói rồi sao? Phong tiên sinh giới thiệu cho cháu một quan quân. Mà đã là quan quân thì sẽ không dẫn cháu đi đâu. Mà cháu mới năm tuổi, ông nội cũng không để cháu rời khỏi nhà họ Dương đâu.

Nguyên Khánh gật gật đầu. Hắn quay đầu lại tìm một vòng, không thấy Nữu Nữu, liền hỏi:

- Thím, Nữu Nữu đâu?

- Cái cháu bé đó, về sau cháu không chơi với nó, nó có chút không vui. Không sao đâu, thím sẽ dỗ nó là được rồi. Cháu đi đi, đừng để người ta đợi lâu.

- Thím, cháu đi đây.

Nguyên Khánh đi theo quản gia rời khỏi tiểu viện, đi về phía cung đình giữa. Thẩm Thu Nương vẫn nhìn theo bóng dáng nho nhỏ của hắn đến khi biến mất rồi mới cúi đầu than thở. Thực ra trong lòng cũng cô đầy nỗi lo lắng. Nguyên Khánh có còn quay trở về bên cạnh cô nữa hay không?

Cô trở lại phòng, nhìn thấy con gái Nữu Nữu khóc trộm ở một góc tường. Cô đau lòng, liền bước về phía đó, ngồi xổm xuống ôm lấy con:

- Nữu Nữu, con sao vậy?

Nữu Nữu đầy nước mắt, mân mê cái miệng nhỏ nhắn, khóc thút thít nghẹn ngào nói:

- Con cũng muốn học võ cũng Nguyên Khánh ca ca!

Thẩm Thu Nương ôm con bé vào lòng, áp mặt vào khuôn mặt nhỏ nhắn của nó, dịu dàng nói:

- Nữu Nữu, sau này mẹ dạy con luyện võ. Giống như Nguyên Khánh ca ca được không?

- Không được, con muốn học cùng Nguyên Khánh ca ca cơ.

Thẩm Thu Nương lau đi nước mắt cho con, cười nói:

- Con ngốc à, Nguyên Khánh ca ca tối sẽ về mà. Chúng ta sẽ đọ với anh ấy xem là Nữu Nữu của mẹ lợi hại hay Nguyên Khánh ca ca lợi hại nhé?

- Vâng

Nữu Nữu gật đầu thật mạnh.

.....

Nguyên Khánh cùng quản gia đi tới trước cửa thư phòng Dương Tố. Quản gia bẩm báo:

- Lão gia, công tử Nguyên Khánh đã đến.

- Cho vào đi!

Nguyên Khánh đẩy cửa ra đi vào thư phòng, thấy trong thư phòng chỉ có ba người, một là ông nội Dương Tố, một là Phong Đức Di và một người còn lại là một quan quân trẻ tuổi với làn da ngăm đen chừng khoảng ba mươi tuổi. Người này để lại ấn tượng ban đầu cho Nguyên Khánh là một người cường tráng vô cùng. Ông ta cao chừng sáu thước rưỡi (thời Tùy 1 thước = 29.5 cm), lưng hùm vai gấu, hai cánh tay khỏe mạnh vô cùng. Ông ta có gương mặt trầm tĩnh, quả quyết mà oai hùng dị thường. Đôi mắt ông ta dài nhỏ một cách đặc biệt, từ trong đôi mắt đó toát lên vầng hào quang mạnh mẽ.

Ông ta đang đánh giá Nguyên Khánh. Ông ta trong lòng có chút kinh ngạc. Ông ta không ngờ rằng cháu của tướng quốc Dương lại mặc một bộ quần áo vải. Trong tưởng tượng của ông ta thì Nguyên Khánh hắn phải là ăn ngon mặc đẹp, phú quý vô cùng. Nhưng hắn trước mặt này đây thì ông ta không thấy được điều đó. Tuy mới năm tuổi nhưng cơ thể không những to lớn mà bước đi rất bình tĩnh, vững vàng. Trong mắt hắn có sự trưởng thành và bình tĩnh mà những đứa trẻ cùng trang lứa không có.

Ông ta nghe Phong Đức Di nói, đứa nhỏ này không phải là hung hãn bình thường. Nhưng cái mà ông ta nhìn thấy không phải là sự hung hãn mà là một sự tự tin và quật cường. Mắt ông ta hơi nheo lại. Ấn tượng lần đầu của ông ta đối với Nguyên Khánh rất tốt. Đây là một đứa bé có thể chịu khổ được.

Nguyên Khánh hai đầu gối quỳ xuống, hành lễ với ông nội:

- Nguyên Khánh tham kiến ông nội!

Dương Tố thấy Nguyên Khánh sạch sẽ hơn ngày hôm qua, càng có tinh thần hơn. Ông ta trong lòng thích thú dịu dàng nói với Nguyên Khánh:

- Hôm qua ông nội đã nói với cháu rồi. Ông sẽ tìm thầy cho cháu, dạy cháu võ công. Hôm nay thầy đã đến rồi. Cháu chào thầy đi!

Ông chỉ sang người đàn ông dáng vóc khôi ngô và giới thiệu cho Nguyên Khánh:

- Vị này chính là mãnh tướng trong quân đội. Họ Trương, tên là Tu Đà. Về sau cháu sẽ học võ cũng thầy này!

Nguyên Khánh cả người chấn động. Hôm qua hắn háo hức một đêm. Sư phụ của hắn sẽ là ai? Có thể là Lý Tĩnh không? Nghe nói Dương Tố và Lý Tĩnh quan hệ tốt lắm. Có thể là một trong mười sáu hảo hán cuối đời Tùy hay không? Nhưng đó là những nhân vật trong Diễn nghĩa, chưa chắc đã là lợi hại nhất. Nhưng hắn không ngờ rằng sư phụ của mình lại là mãnh tướng Trương Tu Đà cuối đời Tùy.

Nguyên Khánh không khỏi trong lòng mừng rơn. Hắn liền cúi xuống bái:

- Đồ đệ Nguyên Khánh bái kiến sư phụ!

Trương Tu Đà lúc này danh khí rất lớn nhưng vẫn chưa nổi tiếng. Ông ta là tâm phúc yêu quý của đại tướng Sử Vạn Tuế. Quân chức không cao nhưng là một Việt Kỵ Giáo Úy. Còn Sử Vạn Tuế là bộ hạ của Dương Tố. Bởi vì phải nịnh Dương Tố nên quen với Phong Đức Di. Trương Tu Đà cũng bởi vậy mà quen được Phong Đức Di. Dáng người hùng tráng kia để lại cho Phong Đức Di ấn tượng sâu sắc. Hơn nữa Sử Vạn Tuế cũng khen thêm về Trương Tu Đà, khen ông ta dũng mãnh vô địch, gan dạ sáng suốt hơn người, chỉ có điều thời vận không tốt lắm. Phong Đức Di liền lập tức nghĩ đến đề cử Trương Tu Đà làm thầy của Nguyên Khánh.

Đối với Trương Tu Đà thì đây cũng là một cơ hội để ngẩng đầu lên, có thể dạy cháu trai của Tướng quốc thì điều này rất tốt cho tiền đồ của ông ta. Ông ta vội vàng nâng Nguyên Khánh lên và trầm giọng nói với hắn:

- Học võ theo ta thì sẽ phải chịu khổ đó. Con có chịu được không?

Nguyên Khánh cũng không chút do dự nói:

- Đồ đệ không sợ chịu khổ, chỉ sợ không được chịu khổ mà thôi.

- Tốt lắm, vậy thì bây giờ đi với ta.

Trương Tu Đà hành lễ với Dương Tố:

- Tướng quốc, bỉ chức bây giờ sẽ mang Nguyên Khánh đi.

Dương Tố cũng biết uy danh của Trương Tu Đà. Ông ta nheo mắt thản nhiên nói:

- Ta chỉ có một câu. Đừng coi nó là cháu của ta.