Khí lạnh cuối cùng của mùa xuân vừa mới qua đi, thì những mầm non xanh biếc đã nhanh chóng phủ khắp các núi đồi. Chùa Đại Từ từ xưa đến nay hương khói vẫn rất thịnh, ngày hôm nay chính là lễ hội, phóng tầm mắt ra liền có thể nhìn thấy khung cảnh rất nhộn nhịp, người người qua lại, chen chúc nhau đi dâng hương.
Đột nhiên có một chiếc xe ngựa cứ lao vùn vụt ở trên đường núi, người trên xe vẫn không ngừng hô hoán nhưng suýt chút nữa đã đâm phải người dân đi bên dưới.
Những người đi đường ở phía sau chỉ biết oán hận mắng một câu: “Chạy nhanh như thế để làm gì, bận đi đầu thai à?”
Đầu tóc sạch sẽ của vị lữ khách kia bị xe ngựa phóng qua làm dính đầy bụi đất.
Ở trên đường đi mọi người ai nấy đều thong thả mà đi, chỉ có chiếc xe ngựa kia cực kỳ vội vã không ngừng lao vυ't đi trên đường núi dốc, có lẽ trong nhà người này đã xảy ra chuyện gì chăng?
Lúc này, ở một gian tĩnh phòng phía trong chùa, có vài vị quý phu nhân đang nói chuyện với nhau. Những vị phu nhân này đều là những người có tiếng nói ở Phủ Định Chân, mặc dù lấy danh nghĩa đi hội lên chùa dâng hương, nhưng việc này cũng chẳng khác gì một buổi họp mặt.
Người đang ngồi ở vị trí cao nhất kia, mặc một bộ y phục cực kỳ lộng lẫy, hoa văn trên vạt áo thêu những bông hoa hồng rực rỡ bà ta nở một nụ cười duyên dáng, bộ dáng cực kỳ đoan trang dịu dàng, bà ta chỉ nói vài câu những vị phu nhân khác bên dưới thì không ngừng gật đầu hùa theo.
Mặc dù bà ta không phải là người lớn tuổi nhất ở đây, nhưng các vị phu nhân khác lại cực kỳ nhiệt tình với bà ấy, người ngoài nhìn vào sẽ ngay lập tức đoán được thân phận của người này không hề tầm thường.
“Nếu nói đến cách nuôi dạy con cái thì ta cực kỳ bội phục Kỷ Đại thái thái.” Một vị phu nhân ngồi ở phía dưới cất tiếng nói, nàng ấy có khuôn mặt trái xoan vừa nói vừa cười nhẹ, mặc dù lời nói có hơi phóng đại nhưng lại khiến cho người nghe cảm thấy rất thoải mái.
Mà người gọi là Kỷ Đại thái thái kia là một vị phu nhân, đang ngồi ở ghế ở phía trên cùng, mà uy danh của bà ta ở phủ Chân Định cũng thuộc hàng số một, số hai.
Lúc Kỷ Lão Thái gia vẫn còn sống, ông chính là Lễ Bộ Thượng Thư, hơn nữa còn là thái phó của Thái Tử lúc bấy giờ. Sau đó ông lại đảm nhiệm chức vị giám khảo hai năm liên tiếp của khoa cử mùa xuân, có thể nói là học vấn ông lúc đó vang xa khắp chốn thiên hạ, học trò của ông sau này cũng đều vào chốn quan trường để làm quan. Năm đó lúc Kỷ Lão Thái gia xin Hoàng Thượng cáo lão hồi hương, Hoàng Thượng còn một mực giữ ông ở lại bên mình thêm vài năm nhưng ông vẫn nhất quyết xin lui, Hoàng Thượng thấy không thể lay chuyển được ông nên cũng chỉ đành cho ông về quê, còn ban cho ông một cái phủ.
Mặc dù Kỷ gia hiện giờ không ở trong phủ mà năm đó Thánh Thượng ban cho, nhưng cho dù như thế thì tấm biển ở cổng lớn Kỷ gia lại là chính tay Thánh Thượng ngự ban, người thường khi đi ngang qua cổng lớn của Kỷ gia cũng không dám tùy tiện ngẩng đầu mà nhìn tấm biển ngự phong kia.
Hàn thị nghe được mấy lời tâng bốc này thì ngại ngùng xua tay cười nói không dám nhận.
Mấy vị phu nhân vẫn còn đang nói chuyện thì thấy những vị tiểu thư vừa ra ngoài khi nãy đã trở về. Người đi phía trước kia là tiểu thư của Kỷ gia, là hai người con ruột của Hàn Thị, trên người các nàng còn đang khoác áo choàng mỏng, xiêm y trên người cũng thuộc hàng cực phẩm, những tiểu thư quý nữ khác đi phía sau cũng không thể so sánh được.
Hàn Thị thấy các nàng vừa mới ra ngoài mà đã quay lại nhanh như thế thì cũng hơi bất ngờ: “Hai con muốn đi ngắm hoa mà, sao lại trở về nhanh thế?”
“Ra bên ngoài chỉ nhìn thấy người qua lại, không có gì để ngắm nên con đã nói chuyện với các vị tiểu thư khác, đợi vài hôm nữa sẽ mời các nàng đến phủ chơi, tổ chức bách hoa yến lúc đó cùng nhau thưởng hoa vừa thanh tĩnh lại còn trang nhã.”
Người vừa lên tiếng là con gái của Hàn Thị, Tam Tiểu Thư của Kỷ gia, Kỷ Bảo Vân. Nàng ấy là trưởng nữ của Hàn Thị, từ nhỏ đến lớn đã được cưng chiều, nên nàng ấy thích làm cái gì thì chỉ cần nói là được.
Đứng bên cạnh nàng ta là Ngũ Tiểu Thư của Kỷ gia, Kỷ Bảo Nhân, mặc dù nàng ấy không nói chuyện, cũng không phản đối gì Kỷ Bảo Vân nhưng hàng lông mày thanh tú kia đã hơi nhíu lại, bộ dạng có hơi không kiên nhẫn.
Mà Hàn Thị thấy con gái nói như vậy cũng không có ý kiến gì, chỉ mỉm cười bảo nàng ấy phải tổ chức và tiếp đãi những vị tiểu thư khác cho chu toàn.
Những vị phu nhân khác thấy nữ nhi trong nhà có thể kết giao được với tiểu thư của Kỷ gia cũng rất vui vẻ, vừa cười vừa khen phong cảnh hoa viên của Kỷ gia rất đẹp, được đến đó ngắm cảnh thưởng hoa đúng là không còn gì bằng.
Mọi người đang nói chuyện vui vẻ thì lại nhìn thấy một bà lão tiến vào, người này là ma ma theo hầu của Hàn Thị, Tiền ma ma…