Nhắc đến cái này là Tam Nương lại có thể nhiều lời hơn rồi, nàng xòe ngón tay ra đếm lên thành tiếng: "Mẫu thân ta dạy ta, còn có tổ phụ ta dạy ta, bát thúc cũng dạy ta, thêm cả đại ca cũng dạy ta nữa! Chủ yếu vẫn là do mẫu thân ta dạy, nếu mẫu thân ta bận thì ta gặp được ai là sẽ hỏi người đó."
Chung Thiệu Kinh nghe hết sức vui vẻ: "Ngươi vậy mà lại rất ham học."
Mọi người cũng cảm thấy tiểu nương tử Quách gia quả thực là thông minh hiếu học, cho nên mới chỉ hơi lớn thế này thôi mà đã bắt đầu học chữ học thơ rồi. Điều quan trọng hơn là người ta còn học rất tốt, ngay cả bài thơ mà Hạ Tri Chương vừa mới đề bút viết cũng đều ngâm được ra hình ra dạng.
Khó trách tổ phụ Quách gia lại xem nàng như miếng thịt ở đầu quả tim mà thương yêu, chỉ hận không thể làm cho toàn bộ người trong cả thiên hạ đều biết được rằng ông có một người tôn nữ bảo bối như thế này.
Lẽ ra có bài thơ của vị chủ nhà đương sự Hạ Tri Chương đề bút viết rồi thì câu chuyện "Nam kim phục sinh Trung thổ" coi như cứ vậy mà cho qua từ đây. Nhưng kết quả là ngay khi mọi người truyền tay nhau xem bài thơ mới của Hạ Tri Chương thì vị "Nam kim" số hai là Cố Huống lại lên tiếng đòi bút mực, nói cũng muốn đáp lại bằng một bài thơ khác.
Từ trước đến nay Hạ Tri Chương vốn là người thích náo nhiệt, nghe được tin có hậu bối người Ngô Trung cũng muốn viết thơ để phụ xướng cho mình bèn đồng ý, sau đó sai người mang văn phòng tứ bảo** lên cho Cố Huống.
(*: Văn phòng tứ bảo gồm bút, mực, giấy, nghiên.)
Cố Huống vốn nổi danh nhờ tài trí sáng tác thơ ca nhạy bén nên ngay khi tờ giấy chỉ vừa mới được bày lên trên án thư là cậu ta đã đề bút xuống viết.
Tam Nương giương mắt nhìn theo, chỉ thấy vị thiếu niên này có nét thanh tú đặc trưng được sông nước vùng Ngô Trung hình thành và nuôi dưỡng nên, nhưng ánh mắt lại không hề ôn hòa như tiền bối người Ngô Việt Hạ Tri Chương này, ngược lại mang theo mấy phần mạnh mẽ và ngang ngạnh không thể che giấu được.
Tam Nương không nhịn được mà nhìn cậu ta nhiều thêm mấy lần.
Người lợi hại ở thành Trường An này cũng thật là nhiều!
Sao bọn họ viết thơ mà dường như chỉ cần vừa nhấc tay lên là đã viết xong rồi vậy? Loại chuyện này người bình thường căn bản là không thể làm nổi mà!
Trong lòng Tam Nương âm thầm khẽ nói, nàng rất muốn biết rốt cuộc vị thiếu niên này có thể viết ra được bài thơ như thế nào.
Vì để có thể là người đầu tiên được đọc thơ, Tam Nương thậm chí còn không thèm để ý đến những cử chỉ ngầm ra hiệu điên cuồng của tổ phụ nàng mà vẫn mặt dày ngồi bên người Chung Thiệu Kinh chờ xem thơ.
Thậm chí nàng còn nhiệt tình giới thiệu cho Chung Thiệu Kinh loại trà và món điểm tâm mà ban nãy bản thân nàng sau khi nếm thử thấy ngon miệng, tranh thủ thời gian không để cho Chung Thiệu Kinh đuổi mình đi.
Tuy tính tình của Chung Thiệu Kinh chẳng ra gì nhưng cũng sẽ không thật sự làm ra chuyện gây khó dễ cho một đứa trẻ năm tuổi. Thấy nàng thừa dịp ngồi ỳ lại bên cạnh mình không đi thì ngược lại còn cảm thấy có chút mới mẻ.
“Ngươi không sợ ta sao?” Chung Thiệu Kinh hỏi nàng.
Không có bao nhiêu người ở tại chốn kinh thành này thích một vị Việt quốc công như hắn.